Cấp bách tìm đầu ra

(Người Chăn Nuôi) – Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 7 – 8 triệu con gà công nghiệp lông trắng đến ngày xuất chuồng nhưng chưa bán được, giá giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần cho cơ sở giết mổ hoạt động hết công suất để tiêu thụ và đưa vào kho bảo quản. Ðược biết hiện lượng gà tồn đọng đã được giải phóng đi nhiều, nhưng giá bán vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, tình hình tái đàn cũng diễn ra rất chậm, lo ngại khủng hoảng thiếu nguồn cung vào cuối dịp Tết năm 2022.

Gia cầm tồn, giá trượt dốc

Chiều 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ NN&PTNT tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện giãn cách phòng chống COVID-19”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.      

Theo ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước nói chung và 19 tỉnh, thành phía Nam vẫn đang vẫn ổn định, dồi dào, nhưng do công tác lưu thông, thu hoạch, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gián đoạn nên dư thừa.

“Quy định kiểm soát đi lại giữa các địa phương khiến nhiều mặt hàng nông sản gặp khó trong tiêu thụ. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến giá gia súc, gia cầm giảm, đặc biệt là các loại thực phẩm như gà lông trắng, chim bồ câu”, ông Thắng cho biết thêm.

Ðồng Nai là tỉnh có tổng đàn gia cầm thuộc top đầu cả nước với hơn 25,6 triệu con, chủ yếu là gà công nghiệp. Tổng đàn gà tăng trưởng tốt so cùng kỳ năm ngoái nên nguồn cung rất dồi dào, trong khi đó đầu ra lại gặp khó khăn nên đây là một trong những mặt hàng có giá giảm sâu nhất hiện nay.

Ðại diện Sở NN&PTNT Ðồng Nai thông tin, giá gà lông trắng tại Ðồng Nai đã giảm xuống chỉ còn 8.000 – 12.000 đồng/kg (tùy loại). Mức giá này còn rẻ hơn nhiều loại rau, quả bán tại TP. Hồ Chí Minh nhưng rất khó tiêu thụ.

gà lông trắng

Doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng khi đầu ra sản phẩm khó khăn, giá giảm – Ảnh: ST

Ông Lê Phương Hải (Long Thành, Ðồng Nai) cho hay, từ trước đến nay, gà đến lứa xuất chuồng tại trang trại của ông đều được xuất bán cho các bếp ăn tập thể, cho hệ thống bán thức ăn nhanh (gà rán). Theo đó, gà nuôi khoảng 30 -40 ngày tuổi ông đã xuất chuồng hết. Song, thời gian này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đóng cửa, một số cơ sở giết mổ gia súc gia cầm ở Ðồng Nai và TP. Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoạt động, kéo theo giá gà công nghiệp ngày một giảm. Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, giá gà công nghiệp lông trắng ở mức 28.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 10.000 đồng/kg, thậm chí là 7.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, mỗi 1 kg gà xuất chuồng lỗ khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng, giờ giá gà có rẻ như vậy cũng không có ai mua.

Theo thống kê, mỗi ngày Ðồng Nai xuất ra thị trường khoảng 100.000 con gà nhưng tiêu thụ nội tỉnh chỉ có 5%. Còn lại 95% là cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Do các doanh nghiệp, thương lái không thể tiếp cận hết các địa bàn để thu mua, giết mổ cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh nên dẫn đến việc tồn đọng, giá giảm sâu.

Tương tự, hiện Tây Ninh cũng đang tồn 1 triệu con gà đến ngày xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được. Còn tại Long An, tình hình cũng không mấy khá hơn khi lượng tồn là 2 triệu con gà lông màu.

 

Tắc ở tiêu thụ, giết mổ

Lượng lớn gà lông trắng, gà lông màu… đến kỳ xuất chuồng mà không thể ra khỏi trại đang là thực trạng tại nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến gà tồn đọng, giá giảm mạnh là bởi nhiều cơ sở giết mổ lớn phải dừng hoạt động. Trong khi, gà xuất ra khỏi chuồng phải qua khâu giết mổ mới đưa đi tiêu thụ được. Chính vì thế, việc duy trì cơ sở giết mổ là hết sức quan trọng trong việc kết nối cung cầu vì toàn bộ trâu, bò, heo, gia cầm muốn đến tay người tiêu dùng thì phải qua khâu này. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Tình hình tái đàn còn rất chậm   

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện tình hình tái đàn vẫn rất chậm, vì vậy tiêu thụ gà giống rất khó khăn, nếu có bán được thì cũng rất thấp, 4.000 – 6.000 đồng/con gà lông màu 1 ngày tuổi. Mặc dù giá gà giống rẻ nhưng người dân chưa sốt sắng vào chuồng, vì những khó khăn như: Giá bán gà thịt vẫn chưa tăng tương xứng với giá TĂCN tăng cao, không những vậy tiêu thụ lại chậm. Nhiều hộ có ý định nuôi, nhưng không thể giải phóng chất độn chuồng cũ để đưa chất độn chuồng mới vào, do một số địa phương không cho vận chuyển vì cho rằng đây không phải mặt hàng thiết yếu.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát, đơn vị có 7 trang trại chăn nuôi ở Ðồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu như đang ngồi trên lửa vì gà đã đến kỳ xuất chuồng mà các cơ sở giết mổ vẫn phải đóng cửa. Ông Quyết chia sẻ, Hợp tác xã của ông chăn nuôi gà trắng cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Năm ngoái, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá gà công nghiệp lông trắng có thời điểm giảm còn 8.000 đồng/kg, nhưng chỉ giảm vài ngày rồi hồi phục. Nhưng đợt này, bà con khốn khổ vì giá gà xuống sâu, chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg và vẫn có khả năng giảm tiếp, chưa biết giá đáy là bao nhiêu. Ðiều khiến người chăn nuôi lo lắng hơn là dù giá rẻ nhưng vẫn không thể xuất bán.

“Những cơ sở chăn nuôi như chúng tôi kiến nghị ngành chức năng xem xét cho các nhà máy giết mổ sớm quay lại sản xuất. Nhiều ý kiến nói giá gà thấp thì giết mổ rồi cho vào kho lạnh, nhưng phải khởi động lại cơ sở giết mổ thì mới xử lý được lượng gà đang còn trong chuồng”, ông Quyết nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ hệ thống trại chăn nuôi gà đạt chuẩn VietGAP tại huyện Trảng Bom, Ðồng Nai theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến phân phối cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là do thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng gà công nghiệp là TP. Hồ Chí Minh đã giảm rất mạnh do hàng loạt các chợ đầu mối, chợ truyền thống đều ngưng hoạt động, trong khi đây là kênh tiêu thụ đến 60 – 70% tổng sản lượng mặt hàng này. Ngay cả kênh tiêu thụ lớn và ổn định từ trước đến nay là các nhà máy chế biến cũng có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Ðiều bất cập là gà trong nước bị ùn ứ do khâu phân phối bị đứt gãy trong khi thịt ngoại vẫn được nhập khẩu rất nhiều, có lợi thế cạnh tranh hơn trong khâu phân phối.

Ông Long chia sẻ thêm: “Cơ sở giết mổ của chúng tôi chỉ duy trì đạt mức 60 – 70% công suất giết mổ so với trước. Lý do một phần vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm sút, một phần doanh nghiệp thiếu đội ngũ lao động vì thực hiện giãn cách và tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch. Dù rất nhiều đơn vị đặt hàng giết mổ gia công sau khi các điểm giết mổ ở TP. Hồ Chí Minh tạm đóng cửa nhưng chúng tôi không nhận làm vì phải ưu tiên công tác đảm bảo phòng, chống dịch trong sản xuất”.

 

 

“3 tại chỗ” vẫn khó

Cũng tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, dù đã và đang cố gắng thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn. Thứ nhất là nguy cơ xảy ra lây nhiễm dịch vẫn cao do vẫn còn phương tiện vận tải ra vào nhà máy. Thứ hai là người lao động có tâm lý hoang mang, lo lắng do không biết đã an toàn hay chưa, cộng với việc dao động tâm lý vì muốn về thăm nhà. Thứ ba, phần lớn công nhân lao động tại các cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến chưa được tiêm vaccine COVID-19 nên khi có ca nhiễm nhà máy phải đóng cửa, tổn thất rất lớn. Ngoài ra, do không thể kinh doanh được, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nên đề nghị Nhà nước có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí dịch vụ, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất thức ăn, con giống, giết mổ, chế biến, vận chuyển…

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phía Nam đề nghị giao quyền chủ động cho Sở NN&PTNT để cùng phòng nông nghiệp các huyện lập danh sách các công nhân lao động tại các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, nông dân tham gia thu hoạch trên đồng ruộng… Qua đó, giúp cho việc thu hoạch nông sản ở các địa phương không bị gián đoạn, các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến, đóng gói thực phẩm tiếp tục duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến thực phẩm được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Các tỉnh, thành vẫn phải duy trì các lò giết mổ để tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm nội tỉnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành cần phải trao đổi với Sở Giao thông – Vận tải, Sở Y tế để có quan điểm chung nhằm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển sản phẩm chăn nuôi.

Chia sẻ với những khó khăn trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh là không thể ngừng lại. Do đó, chúng ta phải động viên nông dân, công nhân, các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, đồng thời phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông”.    

>> Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ NN&PTNT nhận định, lượng gia cầm vào đàn tại các tỉnh phía Nam ở mức thấp, do vậy có thể sẽ có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Phương Khang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *