Vùng Lục Khu huyện vùng cao Hà Quảng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tạo cho nơi đây giống cây trồng, vật nuôi mang đậm tính chất vùng, miền, trong đó có giống lợn đen Lục Khu. Tuy nhiên hiện nay, nguồn gen lợn đen Lục Khu bị thoái hóa, pha tạp nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Lợn đen Lục Khu có ưu thế mà các giống lợn lai không có được, đó là khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng núi cao, kinh phí đầu tư thấp hơn so với lợn lai. Giống lợn có ngoại hình nổi bật với toàn thân màu đen, thân ngắn, lưng hơi võng, khối lượng lúc trưởng thành 60 – 70 kg, nguồn thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm trồng trọt, do đó chất lượng thịt, mỡ thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao so với các loại lợn chăn nuôi công nghiệp, đây là lợi thế của chăn nuôi giống lợn này. Ưu điểm của thịt lợn đen là nhiều mỡ, nhưng thị hiếu của nhiều người tiêu dùng không thích thịt có nhiều mỡ, do đó cần phải có biện pháp vừa bảo vệ nguồn gen vừa nâng cao tỷ lệ nạc.
Năm 2022, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, tỉnh giao Viện Khoa học sự sống – Đại học Thái Nguyên thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen lợn đen Lục Khu, huyện Hà Quảng theo hướng sản xuất hàng hóa”, đề tài thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn và phát triển nguồn gen lợn đen Lục Khu nhằm tạo ra sản phẩm thịt có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Mô hình lợn nái sinh sản của gia đình ông Liêu Văn Thiện, xã Nội Thôn (Hà Quảng).
Từ khi ký hợp đồng đến nay, đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng) tiến hành điều tra số lượng lợn đen tại 7 xã vùng Lục Khu của Hà Quảng; khảo sát đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng, sinh sản; khảo sát năng suất, chất lượng thịt lợn đen Lục Khu. Sau khi khảo sát, lựa chọn 2 xã Tổng Cọt, Nội Thôn là bảo tồn điểm nuôi lợn đen và cấp 30 con lợn nái, 2 con lợn đực rừng lai cho các hộ tham gia mô hình, 4 con lợn đực đen Lục Khu cho mô hình thụ tinh nhân tạo. Tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và quản lý chất thải chăn nuôi.
Ông Nông Văn Vượng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng phối hợp thực hiện đề tài, cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, người dân được tập huấn kiến thức chăn nuôi, biết cách phòng trừ dịch bệnh thông thường cho đàn lợn. Nhóm thực hiện đề tài phối hợp với huyện cung cấp các loại thuốc vắc xin kịp thời cho các hộ chăn nuôi để phòng trị bệnh kịp thời.
Đơn vị chủ nhiệm đề tài mua 2 con lợn rừng lai bàn giao cho 2 hộ Liêu Văn Thiện, xã Nội Thôn và Trương Văn Thái, xã Tổng Cọt. Đây là 2 hộ có điều kiện chuồng nuôi tương đối tốt, có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn đực giống. Lợn giống mới mua về có khối lượng lớn (52 và 67 kg), lợn sinh trưởng, phát triển tốt và phối giống cho lợn cái, hiện tại đã đẻ lứa đầu.
Để có căn cứ đánh giá kết quả nghiên cứu, đơn vị mua 3 con lợn thương phẩm và các loại hóa chất vật tư cần thiết tiến hành mổ khảo sát và đánh giá chất lượng thịt lợn đen Lục Khu. Kết quả bước đầu cho thấy, thịt lợn có chất lượng tốt, thơm ngon nhưng tỷ lệ mỡ cao, tỷ lệ nạc thấp dưới 40%.
Đơn vị lựa chọn 12 hộ tại 2 xã: Nội Thôn, Tổng Cọt xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm. Các hộ được chọn là những hộ có nguyện vọng muốn thạm gia thực hiện mô hình, có điều kiện về chuồng nuôi, lao động và khả năng tiếp nhận kỹ thuật chăn nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị cung cấp 30 con lợn giống cho các hộ tham gia mô hình, lợn giống khi mua về nhiều con có khối lượng lớn, đến tuổi phối giống, một số con đang trong giai đoạn sinh trưởng. Hiện đàn lợn có 8 con nái đẻ, 12 con đang chửa, số còn lại đang trong giai đoạn hậu bị.
Ông Liêu Văn Thiện, xã Nội Thôn chia sẻ: Gia đình tôi nuôi lợn từ lâu, chăn thức ăn tự nhiên, khi có đề tài gia đình đăng ký 3 con lợn nái, 1 con lợn đực, đồng thời tham gia các lớp tập huấn cách chăm sóc, thú y. Trong 6 tháng tham gia nuôi lợn nái đẻ lứa đầu tiên 10 con, sau 2 tháng nuôi lợn con cân nặng 0,6 – 0,8 kg. Để chủ động cung cấp lợn đực giống có chất lượng cho mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản và cấp giống cho các hộ chăn nuôi lợn nái đen khác trên địa bàn, đơn vị chủ trì ký hợp đồng xây dựng mô hình thụ tinh nhân tạo tại hộ gia đình ông Vương Văn Dỉn, thị trấn Xuân Hòa. Đề tài cấp cho gia đình tôi 4 con lợn đực giống, 1 thiết bị máy soi kính hiển vi để soi chất lượng tinh trùng, hiện gia đình tôi có 3 con lợn đực khai thác được tinh trùng, sau 1 năm cấp cho bà con hơn 100 liều tại các xã: Tổng Cọt, Nội Thôn, Thượng Thôn, Vân An. Dự kiến khi tất cả lợn giống của mô hình đến tuổi khai thác, lượng tinh mô hình sản xuất ra cung cấp đủ cho trên 200 lợn nái sinh sản/năm.
Kết quả nghiên cứu sẽ làm thay đổi cách nghĩ và tập quán chăn nuôi của đồng bào dân tộc, cung cấp thêm quy trình công nghệ chăn nuôi lợn địa phương, bảo tồn nguồn gen vật nuôi, kết hợp phương pháp chăn nuôi truyền thống, kinh nghiệm của đồng bào để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và an toàn. Tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất kém hiệu quả, tận dụng môi trường đất trống, đồi trọc, tạo việc làm cho người dân miền núi.
Hoàng Kiều