Cán cân thương mại chăn nuôi 10 tháng đầu năm thâm hụt trên 2,6 tỷ USD

(Người Chăn Nuôi) – Trong 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 6,6%. Sự chênh lệch này đã khiến cho cán cân thương mại của ngành bị thâm hụt.

Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 10/2024 của Việt Nam ước đạt 5,91 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 10 tháng đầu năm đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,56 tỷ USD, giảm 5,7%.

sản lượng thịt của cả nước

Hết tháng 9, sản lượng thịt của cả nước đã đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Thùy Khánh

Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2%; và châu Đại Dương tăng 14,5%.

Xét theo thị trường chi tiết, Mỹ với thị phần 21,6%, Trung Quốc với thị phần 21,5%, và Nhật Bản với thị phần 6,5%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm sang thị trường Mỹ tăng 25,9%, Trung Quốc tăng 11,4%, và Nhật Bản tăng 5,9%.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm ước đạt 46,3 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2024 đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 103,8 triệu USD, giảm 7,2%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 133,4 triệu USD, tăng 8,6%.

Kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 10/2024 của Việt Nam ước đạt 4,19 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS 10 tháng đầu năm 2024 đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 3,06 tỷ USD, tăng 6,6%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 6,3 tỷ USD, tăng 3,6%.

 Xét theo vùng lãnh thổ, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng NLTS nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với thị phần lần lượt là 28,8% và 24,1%. Thị phần của 3 khu vực châu Âu, châu Đại Dương, và châu Phi nhỏ, lần lượt là 5%, 4,1%, và 4,2%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 từ khu vực châu Á tăng 11,1%; châu Mỹ tăng 11,4%; châu Âu tăng 31,9%; châu Đại Dương giảm 35,5%; và châu Phi giảm 6,5%.

Xét theo thị trường chi tiết, Trung Quốc, Brazil và Mỹ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng NLTS lớn nhất cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 9,6%, 8,0%, và 7,7%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 từ thị trường Trung Quốc tăng 28,3%, Brazil tăng 8% và Mỹ tăng 5,8%.

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 10/2024 ước đạt 324,2 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm đạt 3,06 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 940,4 triệu USD, giảm 1,1%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,38 tỷ USD, tăng 14,2%.

Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 10/2024 ước đạt 460 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 10 tháng đầu năm 2024 đạt 4,08 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường Argentina (chiếm 30,7% thị phần), Mỹ (21%) và Brazil (13,6%). So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ thị trường Argentina tăng 1,4%; Mỹ tăng 42,4%. Ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Brazil giảm 28,1%.

Cán cân thương mại ngành NLTS Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng thì chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, tăng 7,2%. Việt Nam có 6 mặt hàng NLTS có thâm hụt thương mại ước tính 10 tháng đầu năm 2024 đạt trên 1 tỷ USD, trong đó, thức ăn gia súc và nguyên liệu thâm hụt 3,22 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; thịt và phụ phẩm dạng thịt thâm hụt 1,24 tỷ USD, tăng 14,9%.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *