(Người Chăn Nuôi) – Bò có hiện tượng như bị sốt cao 41 độ C, nước mũi nước mắt chảy nhiều, niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ sẫm rồi tái tím, vùng hầu sưng to làm lưỡi thè ra ngoài, hạch bên cổ sưng to, thở khó. Lúc đầu táo bón, sau lại ỉa lỏng phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Có con nằm liệt, yếu dần rồi chết trong 2 – 3 ngày.
Hỏi:
Trong thời gian cuối tháng 3 vừa qua, bò có hiện tượng như bị sốt cao 410C, nước mũi nước mắt chảy nhiều, niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ sẫm rồi tái tím, vùng hầu sưng to làm lưỡi thè ra ngoài, hạch bên cổ sưng to, thở khó. Lúc đầu táo bón, sau lại ỉa lỏng phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Có con nằm liệt, yếu dần rồi chết trong 2 – 3 ngày. Vậy đó là bệnh gì, cách phòng trị bệnh này như thế nào?.
Trả lời:
Với triệu chứng như vậy có thể chẩn đoán bò bị bệnh tụ huyết trùng. Khi vật bị mắc bệnh nếu không phát hiện và trị kịp thời thì tỷ lệ chết khá cao 70 – 80%. Điều trị sớm cho kết quả khỏi tốt. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ gia súc, sản phẩm của chúng hoặc qua dụng cụ chăn nuôi, chuyên chở.
Bệnh tụ huyết trùng thường xảy ra khi thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường hoặc gia súc thay đổi điều kiện sống như thời gian cuối tháng 3 vừa qua. Một số con vượt qua được giai đoạn cấp tính thường chuyển sang thể mãn tính. Con vật đi lại khó khăn do viêm khớp, viêm phổi, viêm phế quản. Phân lúc táo lúc lỏng, ăn uống giảm sút, gầy yếu. Phần lớn những con bệnh này đều chết do suy kiệt. Một số ít có sức chịu đựng thì những biểu hiện này nhẹ dần và khỏi, nhưng phải hàng tháng sau mới hồi phục.
Điều trị
Chủ yếu hiện nay là dùng thuốc kháng sinh. Có thể dùng một số kháng sinh sau đây: Streptomycin 4 – 6 g cho mỗi trâu bò, tiêm bắp thịt mỗi ngày 1 lần; Tiêm liền trong 4 – 5 ngày. Từ ngày thứ 3 trở đi có thể giảm liều còn 2/3 so với liều ngày đầu; hoặc Penicillin + Streptomycin: 2 g/100 kg thể trọng/ngày; hoặc Kanamycin 10 ml/100 kg thể trọng/ngày.
Ngoài việc dùng kháng sinh cần tiêm cho con vật các thuốc trợ tim, trợ sức như: Long não, Cafein, Stricnin, Analgil và Vitamin B1, Vitamin C tiêm hàng ngày theo liều chỉ dẫn của nhà sản xuất. Có thể tiếp các dung dịch điện giải như dung dịch NaCl 0,9%, glucose 5% 1.000 ml mỗi ngày. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để vật nuôi nhanh hồi phục trở lại.
Phòng bệnh
Điều quan trọng là cần tiêm vaccine tụ huyết trùng phòng bệnh cho gia súc 2 lần/năm vào vụ đông – xuân và hè – thu. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.
Tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách vệ sinh thức ăn, nước uống, ăn, uống đủ, chăm sóc sử dụng và khai thác hợp lý, không để vật làm việc quá sức. Khi có dịch xảy ra phải phát hiện kịp thời gia súc ốm để cách ly điều trị, tránh làm lây lan bệnh, công bố dịch, cấm không cho vận chuyển và mổ thịt trâu, bò. Trâu, bò chết phải chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn. Toàn bộ chuồng trại, bãi chăn phải được vệ sinh, tẩy uế và trống chuồng, bãi chăn thả triệt để. Đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.
Bệnh từ trâu, bò có thể lây sang ngựa, chó và heo. Vì vậy, trong ổ dịch tụ huyết trùng trâu, bò cần chú ý phòng bệnh cho các loài động vật này.