Cách khắc phục hiện tượng gia cầm cắn mổ nhau

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin tư vấn biện pháp khắc phục hiện tượng gia cầm cắn mổ nhau?

(Câu hỏi của Nguyễn Hương, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Hiện tượng xảy ra thường bắt đầu từ việc một số con vật trong đàn mổ lông nhau, rồi mổ, cắn xé, thậm chí là ăn thịt ở một số bộ phận như ngón chân, mào, đuôi hay hậu môn của nhau. Đặc biệt, khi trong đàn có một con có vết thương bị chảy máu, thì cả đàn nuôi sẽ bị kích thích và chúng tập trung vào việc cắn mổ vết thương của con vật đó. Từ đó, dẫn đến việc bùng phát hiện tượng cắn mổ nhau ở trên toàn đàn.

Để khắc phục hiện tượng này, người nuôi cần theo dõi và tiến hành bắt, nhốt riêng những gia cầm hay mổ những con khác; bắt nhốt riêng, cách ly những con gia cầm bị cắn mổ có vết thương hở và bị chảy máu; đồng thời tiến hành bôi thuốc sát trùng lên vết thương và chăm sóc cho chúng hồi phục; tiến hành cắt mỏ ở một số loại gia cầm như gà nhằm hạn chế tình trạng cắn mổ nhau: Ở gà thịt tiến hành cắt mỏ lúc 7 – 10 ngày tuổi, gà hậu bị trứng cắt ở tuần 7 – 8 hoặc 12 – 16 tuần; Điều tiết giảm cường độ ánh sáng cho thích hợp, tuân thủ chế độ ánh sáng đối với từng loài nuôi ở từng giai đoạn khác nhau; tạo điều kiện thông thoáng cho chuồng nuôi. Có thể bỏ thêm các bó rau xanh vào chuồng cho gia cầm ăn để thỏa mãn tập tính tìm kiếm, đào bới mồi của chúng, cung cấp thêm hàm lượng chất khoáng và giảm tình trạng cắn mổ nhau; đảm bảo đầy đủ hệ thống máng ăn, máng uống để vật nuôi được tiếp xúc đầy đủ trong toàn đàn. Kiểm tra và cho ăn uống đầy đủ, tránh không để gia cầm thiếu nước trong những ngày nhiệt độ cao; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng các biện pháp để tránh có mùi hôi, khí độc trong chuồng trại; bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và cân bằng hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp ở từng loài, theo độ tuổi. Đặc biệt là hàm lượng chất khoáng canxi, sắt, tỷ lệ cân đối giữa các axit amin với nhau…

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *