Cách hiểu sai về thức ăn chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Theo Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (Luật Chăn nuôi 2018), thức ăn chăn nuôi là sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến; bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

Trong đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.

Trong chăn nuôi, thức ăn đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Ảnh: IE

Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phải đảm bảo 4 nhóm nguyên liệu cơ bản sau:

 

Nhóm nguyên liệu giàu năng lượng

Các loại thức ăn thuộc nhóm này bao gồm các loại gluxit, lipit có trong hạt ngũ cốc (ngô, thóc, mì hạt…), các loại củ (khoai, sắn…), hạt đậu, bột rau cỏ họ đậu.

Gluxit là thành phần chủ yếu cung cấp năng lượng cho cơ thể động vật, vai trò chính của gluxit là sinh năng lượng phục vụ cho mọi hoạt động hàng ngày của cơ thể động vật. Gluxit ăn vào trước hết chuyển thành năng lượng, nếu cung cấp thừa thì động vật dự trữ dưới dạng mỡ ở dưới da, ở giữa thớ cơ, ở dưới da bụng, màng treo ruột, xung quanh gan, thận, tim hoặc dự trữ ở gan dưới dạng đường đa glucogen. Gluxit tham gia vào cấu tạo nên tổ chức cơ thể như trong nhân tế bào, tổ chức thần kinh và não bộ; tham gia điều tiết sinh lý, xúc tiến ôxy hóa axit béo, giảm bớt sự phân giải protein.

 

Nhóm nguyên liệu giàu đạm (protein)

Các loại thức ăn thuộc nhóm này của yếu là các sản phẩm động vật (bột cá, bột thịt, bột thịt xương, bột lông vũ, bột máu, côn trùng, giun, tôm tép…) và các loại hạt đậu, lạc. Protein có nguồn gốc động vật, thường cân đối các axit amin; có giá trị sinh học, dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, tỷ lệ tiêu hóa cao hơn nguồn protein thực vật.

Protein là chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể các động vật, cung cấp các thành tố để cấu trúc nên cơ thể sinh học. Protein là yếu tố tạo hình chính của tế bào động vật, tham gia vào thành phần các cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Do vai trò này, protein có liên quan đến mọi chức năng sống của cơ thể (tuần hoàn, hô hấp, sinh dục, tiêu hóa, bài tiết hoạt động thần kinh và tinh thần…).

 

Nhóm nguyên liệu giàu khoáng

Chất khoáng rất cần thiết cho cấu tạo bộ xương, vỏ trứng, lông, mỏ, móng của cơ thể động vật. Tham gia các cấu tạo hormone, enzim trao đổi chất, làm chất điện giải. Chất khoáng có nhiều trong: Bột đá, Dicanxi photphat, vỏ trứng, vỏ sò, cua, các premix khoáng…

Trong bất kỳ giai đoạn nào, cơ thể động vật cũng không thể thiếu được chất khoáng. Nếu thiếu chất khoáng, cơ thể sẽ phát triển kém, sức sản xuất giảm, thiếu nghiêm trọng, con vật có thể chết. Trong dinh dưỡng, con vật có thể lấy được rất nhiều các nguyên tố khoáng cần thiết từ thức ăn như: Canxi và Phốt pho là hai nguyên tố cấu tạo nên xương, tỷ lệ ở trong xương là 3/2, và chiếm 65 – 70% các chất khoáng trong cơ thể. Natri và Clo có trong muối ăn cung cấp ion Na+ và Cl- tham gia điều hòa áp lực thẩm thấu của máu và vận chuyển chất dinh dưỡng trong cơ thể.

 

Nhóm nguyên liệu giàu vitamin

Vitamin có nhiều trong các loại rau xanh, các loại quả, trong thịt, cá, gan động vật, trứng, các loại bột cỏ… Cơ thể động vật cần đến với một lượng nhỏ, để đảm bảo cho sự sống diễn ra được bình thường. Phần lớn các loại Vitamin không được tổng hợp trong cơ thể động vật. Vì vậy, chúng phải được nhận từ ngoài vào theo con đường thức ăn và nước uống. Trong đó, Vitamin A tham gia vào quá trình trao đổi chất:

Gluxit, Protein, Lipit, kích thích sự phát triển tế bào non và tế bào sinh dục. Vitamin D có vai trò tăng cường sự hấp thu Phốt pho và Canxi trong cơ thể, do đó nó cần thiết cho sự lớn lên của xương. Vitamin E có ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ cơ và mô liên kết. Vitamin K tham gia vào quá trình hô hấp mô bào và Photphoryl hóa, có tác dụng làm đông máu. Vitamin C giúp cơ thể tăng cường hấp thu sắt để tổng hợp nên hồng cầu và làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể.

Như vậy, có thể thấy rằng, thức ăn hỗn hợp là sự phối trộn của nhiều nguồn nguyên liệu thức ăn, nhằm đảm bảo việc cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu của động vật nuôi trong từng giai đoạn. Nó giúp cho động vật sinh trưởng, phát triển và cho sản phẩm theo đúng khả năng của con vật. Do vậy một số quan điểm sau sẽ là sai lầm: Động vật nuôi bằng ngô, thóc, rau… sẽ cho “sản phẩm sạch”: Về cơ bản là đúng, tuy nhiên chăn nuôi theo cách này gây mất cân bằng nhu cầu các chất trong cơ thể con vật, con vật sẽ có xu hướng ít phát triển cơ, còi cọc, tích mỡ trong cơ thể nhiều. Nuôi động vật theo cách này chỉ có thể áp dụng đối với các hộ gia đình có một vài con và có vườn chăn thả để con vật tự kiếm thêm thức ăn.

Động vật nuôi bằng thức ăn công nghiệp (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh) không tốt cho người sử dụng do sử dụng thức ăn “không sạch”: Điều này hoàn toàn sai lầm vì bản chất thức ăn hỗn hợp sử dụng 4 nguồn nguyên liệu cơ bản trên để phối trộn và đây đều là những thức ăn cần thiết đối với bất kỳ động vật sống nào để sinh trưởng, phát triển và cho sản phẩm.

Thức ăn công nghiệp có chứa một số chất không có lợi (các chất tăng trưởng, hormone…): Điều này đúng một phần vì có một số đơn vị sử dụng để tăng giá trị sử dụng của thức ăn. Tuy nhiên, đây là các chất cấm đã được quy định trong luật và được kiểm soát chặt chẽ nên việc sử dụng rộng rãi không phải là chuyện dễ dàng. Cách tốt nhất là sử dụng các loại cám của các đơn vị lớn có tên tuổi trên thị trường để hạn chế việc sử dụng thức ăn có sử dụng các chất cấm trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *