Các địa phương chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi dịp Tết

(Người Chăn Nuôi) – Thời điểm cuối năm, các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn trong bối cảnh nhu cầu buôn bán, vận chuyển tăng, điều này ít nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Ninh Bình

Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh, đàn lợn tăng 1,59%; đàn gà tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ duy trì mức tăng trưởng tổng đàn, bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung chống rét cho vật nuôi, tích cực chăm sóc để gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt.

Các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp Ninh Bình hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng được mở rộng, giúp người chăn nuôi nâng cao giá trị. 

Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh tuyên truyền cho các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đủ sản lượng và chất lượng thực phẩm vào cuối năm.

phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Phun khử khuẩn chuồng trại tại cơ sở chăn nuôi lợn. Ảnh: Phương Nga.

Hà Tĩnh 

Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia cầm trên 10 triệu con. Với phương châm “phòng là chính” các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh đang tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch; chăm sóc đàn gia cầm khi giá rét.

Ngoài đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, các địa phương, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát vận chuyển giết mổ gia cầm; nguồn thức ăn, nguồn giống đồng thời rà soát, tiêm phòng bổ sung vaccine.

Nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ban chỉ đạo 389 các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển lậu sản phẩm động vật, sản phẩm gia cầm vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Cán bộ thú y lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm. Ảnh: ST

Quảng Bình 

Hiện tỉnh Quảng Bình có tổng đàn gia súc gần 390.000 con, đàn gia cầm hơn 5,2 triệu con. Trong năm 2024, tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm trên động vật, trên người. Tuy nhiên, trong tháng 6, khi giám sát chủ động lưu hành virus cúm trên gia cầm tại 3 huyện (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch) đã có 1/60 mẫu xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N1 (chiếm tỷ lệ 1,67%).

Đặc biệt, cuối tháng 10, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, gây mưa lớn, ngập lụt kéo dài tại một số địa phương, khiến cho môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Do vậy, nguy cơ bệnh cúm gia cầm ở động vật phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Do vậy, tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cộng đồng. Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm đã được nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh.

Các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vaccine cúm cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng trong đợt 2/2024, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, không để lây lan ra diện rộng; chỉ đạo cơ quan thú y thông báo cho cơ quan y tế cùng cấp khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên động vật.

Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm.

Cụ thể, UBND thành phố yêu UBND các quận, huyện tăng cường vận động tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, hoàn thành trước ngày 01/01/2025. UBND huyện Hòa Vang thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả. Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, yêu cầu người chăn nuôi thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định.

Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; hướng dẫn, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, chợ buôn bán gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm, khu vực tiêu hủy, chôn lấp động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ và hướng dẫn các cơ sở này thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ và xung quanh cũng như phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào các cơ sở giết mổ.

Sở Y tế tăng cường phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm mầm bệnh lây lan giữa người và động vật, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với động vật có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan. Cùng đó, khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống các bệnh nguy hiểm lây lan từ động vật sang người.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *