(Người Chăn Nuôi) – Sinh con là thời điểm khó khăn nhất đối với bò mẹ. Nhiều căn bệnh thường xảy ra trong giai đoạn này, vì thế cần đặc biệt lưu ý để có những can thiệp và xử lý kịp thời.
Xoắn tử cung
Bệnh xoắn tử cung thường xuất hiện ở giai đoạn bò sắp đẻ và được phát hiện vào thời điểm bò bắt đầu đẻ. Nếu bò có những biểu hiện không muốn nghỉ ngơi hoặc đau vùng bụng, nên nghĩ đến trường hợp bò bị bệnh xoắn tử cung. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do phần gắn tử cung bị lỏng hoặc do cách bò đứng lên và ngồi xuống.
Các dấu hiện lâm sàng: Đẻ muộn; Có những biểu hiện bồn chồn khi đẻ; Đau vùng bụng.
Chẩn đoán: Kiểm tra cổ tử cung bằng sờ khám hoặc kiểm tra vùng âm đạo. Nếu bò bị xoắn tử cung, sẽ không thể sờ hoặc nhìn thấy cổ tử cung và thành âm đạo nơi gần cổ tử cung cũng bị xoắn lại. Bằng cách khám qua trực tràng có thể phát hiện tử cung bị xoắn và các dây chằng rộng bị tréo lại. Đôi khi âm hộ của bò cũng bị xoắn nhẹ. Trong quá trình chẩn đoán cần phải xác định được hướng xoắn của tử cung.
Chữa trị: Dùng tay đặt lại vị trí của bào thai. Áp dụng trong trường hợp góc xoắn vặn nhỏ hơn 900 và khi có thể sờ thấy thai. Xoay cơ thể bò bằng cách cho bò nằm xuống sao cho phần xoắn ở phía dưới và xoay cơ thể bò theo hướng xoắn của tử cung. Mổ lấy thai, sử dụng trong trường hợp góc xoắn 180 – 2700 và khi không thể sờ thấy cổ tử cung.
Sa tử cung hoặc âm đạo
Sa tử cung thường xảy ra sau khi bò đẻ. Nguyên nhân có thể do bò rặn quá trong quá trình đẻ. Ngoài ra, một vài nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng này gồm: Tình trạng tử cung mất trương lực, giảm canxi huyết, thiếu vận động trước khi đẻ, ngồi bằng hai chân sau nhiều và di chuyển.
Điều trị: Chỉnh bằng tay. Phần bị sa nên được rửa sạch trước khi can thiệp vì phần này thường khô và hoại tử. Trong trường hợp thời gian đẻ quá dài nên tiến hành gây tê ngoài màng cứng, sử dụng 5 ml novocain. Sau khi đẩy phần sa về vị trí đúng, truyền 5 – 10 lít nước muối thường vào tử cung để giúp sát trùng. Nếu tình trạng sa sệ dễ xảy ra thì nên tiến hành khâu âm hộ. Tuy nhiên, cần phải tháo bỏ dây khâu càng sớm càng tốt sau khi chắc chắn rằng tình trạng sa sệ sẽ không tái diễn.
Sót nhau
Mặc dù bệnh sót nhau bị gây ra bởi rất nhiều yếu tố nhưng nguyên nhân trực tiếp vẫn chưa được tìm ra chính xác. Các yếu tố này bao gồm hiện tượng nhiễm trùng cục bộ ở nhau thai, thiếu vitamin (có thể là Vitamin A), độ co giãn của tử cung khi đẻ thấp, thiếu vận động của bò trong thời gian cạn sữa…
Điều trị: Không nên bóc nhau bởi như vậy sẽ làm tổn thương đến nội mạc tử cung và gây ra viêm nội mạc tử cung. Nếu bò không có biểu hiện nào khác thường thì không cần phải điều trị. Có thể cắt một phần của nhau, không nên cắt quá nhiều, chỉ cắt phần đã lòi ra ngoài. Chăm sóc bò cẩn thận, quan tâm đến tình trạng chung của bò như ăn uống, sản lượng sữa và nhiệt độ cơ thể. Nếu bò có dấu hiện sốt cao sẽ rất dễ mắc phải một số bệnh như sốt hậu sản, viêm nội mạc tử cung hoặc viêm vú. Tiến hành truyền kháng sinh vào bên trong tử cung và tiêm bắp sẽ giúp chữa trị trong trường hợp tử cung xuất hiện viêm nhiễm.
Bích Hòa