Cà Mau: Nhiều khó khăn trong kiểm dịch động vật

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm (CGC), tuy nhiên, dịch CGC vẫn được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương trong nước, trong đó có 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Trong khi đó, trên 50% gia súc, gia cầm tiêu thụ trong tỉnh đều nhập từ các tỉnh trong khu vực, công tác kiểm dịch động vật còn nhiều khó khăn, nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm CGC.

Hiện nay, tình trạng vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhập tỉnh diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại bệnh dịch nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng.

kiểm dịch động vật

Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo quy định.  Ảnh minh hoạ: HOÀNG VŨ

Ông Trần Công Trạng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Quản lộ Phụng Hiệp, cho biết, trạm có 5 người, chia ca trực 24/24, chủ yếu kiểm tra về số lượng, niêm phong thùng xe, giấy kiểm dịch tiêm phòng, sau đó phun tiêu độc khử trùng rồi cho xe đi.

Theo ông Trạng: “Tuyến đường này kiểm tra chủ yếu các loại gia súc, gia cầm… và chỉ kiểm tra bằng cảm quan, khó phát hiện dịch bệnh.  Ngoài ra, trạm vẫn chưa có trụ sở chính thức, còn thuê mướn; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc. Số lượng gia cầm nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc nhập tỉnh khá nhiều, vận chuyển bằng nhiều đường, có cả đường thuỷ và lộ giao thông nông thôn, do đó không thể kiểm soát hết”.

Ngoài ra, một trong những nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát tốt, cộng với thời tiết giao mùa, thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

kiểm dịch động vật

Hiện nay, tổng đàn gia cầm trong tỉnh có khoảng 7,3 triệu con, nhưng chăn nuôi tập trung chỉ chiếm 25% so tổng đàn. Thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, nên nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Ðặc biệt, người nuôi chưa thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay đã tiêm 27.965 liều tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả, dại, lở mồm long móng trên đàn gia súc; tiêm phòng cho gia cầm 55.667 liều, chiếm khoảng 10% trên tổng đàn. Công tác kiểm soát, giết mổ từ đầu năm đến nay được 41.083 con gia súc, 10.170 con gia cầm, qua đó phát hiện, xử lý 1.774 kg thịt và phủ tạng gia súc, gia cầm không đảm bảo chất lượng.

Ðáng quan tâm, tuy trong nước đã xuất hiện trường hợp bệnh CGC lây sang người và đã có ca tử vong, nhưng theo ghi nhận, nhiều người dân còn chủ quan, lơ là với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm sống xen lẫn các mặt hàng khác ở các chợ vẫn diễn ra bình thường, không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch CGC, đe doạ sức khoẻ cộng đồng.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo quy định. Khi cơ thể có biểu hiện giống bệnh cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

Trung Ðỉnh

Nguồn: Báo Cà Mau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *