(Người Chăn Nuôi) – Sau khi tiến hành thử nghiệm các loại protein mới từ lá dâu tằm, mới đây các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã kết luận bột lá cây này có thể sử dụng làm thức ăn cho heo giai đoạn vỗ béo.
Các nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu tại Hồ Nam, Trung Quốc vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Animal Nutrition. Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm các loại thức ăn bền vững, giá rẻ đang ngày càng tăng cao, nhiều nguồn thức ăn mới đã được phát hiện với khả năng thay thế (một phần) những nguyên liệu ngũ cốc phổ biến hiện nay. Trong số này, có nguyên liệu rất ít người biết tới đó là lá dâu tằm.
Lá dâu tằm (Morus alba L.), theo các chuyên gia nghiên cứu, là một nguồn protein mới và tiềm năng đối với các vật nuôi ăn cỏ. Thức ăn xanh từ lá dâu tằm cũng là một nguồn năng lượng lên men và protein tiềm năng cho cừu. Nhiều thử nghiệm cũng đã được thực hiện để đánh giá hiệu lực của lá dâu tằm với gà đẻ trứng. Tuy nhiên, thử nghiệm trên heo mới được thực hiện gần đây, bởi các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu ở Hồ Nam, Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã thu hoạch lá dâu tằm tươi, sấy khô ở nhiệt độ 60°C trong 4 ngày, nghiền nhỏ và đánh giá các thành phần dinh dưỡng như sau:
• 23.50% vật chất khô;
• 22.66% protein thô;
• 4.93% chiết xuất ether;
• 12.06% xơ thô;
• 9.60% tro thô;
• 15.27 MJ/kg năng lượng tiêu hóa được.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm trên 180 heo đen giống Xiangcun của Trung Quốc có trọng lượng trung bình ban đầu khoảng 72 kg. Heo được cho ăn ngẫu nhiên 1 trong 5 nghiệm thức. Nghiệm thức đối chứng chứa ngô, khô đậu, cám mì và nghiệm thức thử nghiệm đã thay thế một phần ngô, khô đậu, cám mì bằng 3%, 6%, 9%, hoặc 12% bột lá dâu tằm. Các khẩu phần được cho heo ăn dưới dạng viên, ăn tự do trong 50 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận bổ sung lá dâu tằm dinh dưỡng ở hàm lượng dưới 12% đã không thay đổi hiệu suất tăng trưởng, nhưng lại cải thiện độ bền chống ôxy hóa của heo giai đoạn nuôi vỗ béo.
Ngoài ra, bổ sung lá dâu tằm cũng ảnh hưởng đến biểu hiện của những gen tham gia vào quá trình trao đổi chất béo và tách cặp ti thể ở cơ xương của heo. Những thay đổi này có thể điều chỉnh thành phần chất béo của heo theo chiều hướng có lợi và ngăn chặn tình trạng ôxy hóa, từ đó tác động tích cực lên sức khỏe của người tiêu dùng sản phẩm thịt heo.
Lá dâu tằm là nguồn protein bền vững bởi loại cây này phát triển nhanh, và được trồng khắp nơi trên thế giới. Tại Trung quốc, diện tích các vùng canh tác cây dâu tằm ước tính hơn 1 triệu ha và sản lượng lá dâu tằm tươi đạt 25 – 30 tấn/ha/năm. Lá dâu là nguồn thức ăn chính để nuôi tằm, đồng thời cũng được sử dụng làm thảo dược ở Trung Quốc nhờ đặc tính kháng ôxy hóa, kháng viêm và chống mỡ máu.
Vũ Đức
Theo Viện Khoa học chăn nuôi Hồ Nam