Bò nuôi vỗ béo bằng chất cấm được nhập lậu ồ ạt về Việt Nam nhưng thiếu kiểm soát đang làm dấy lên nỗi lo an toàn đối với sức khoẻ của hàng triệu người dân. Không chỉ vậy, điều này còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của chăn nuôi đại gia súc trong nước.
Hoang mang, phẫn nộ là cảm nhận của không ít người về câu chuyện chăn nuôi bò ở Campuchia. Tại quốc gia này, thức ăn dành cho bò có chứa hàm lượng Salbutamol (chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi) vượt ngưỡng cho phép đến hàng trăm lần! Điều đáng nói, người dân Campuchia không ăn loại thịt bò mà những chủ trang trại này sản xuất. Thay vào đó, bò được các thương lái của Việt Nam mua về, vỗ béo bằng loại thức ăn hỗn hợp có chứa chất cấm Salbutamol – thứ “biệt dược” mà như quảng cáo là có thể giúp tăng trọng lượng của bò đến 100kg trong vỏn vẹn 1 tháng.
Ảnh minh họa
Từ lâu Salbutamol đã bị Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) cấm sử dụng trong chăn nuôi, do tồn dư hợp chất này gây nguy cơ rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ… Salbutamol còn có thể gây nhược cơ, thậm chí là khiến cơ thể phát triển không bình thường. Nói vậy để thấy rằng hành vi nhập lậu bò và kích thích tăng trọng bằng thức ăn có chứa chất cấm Salbutamol là nguy hiểm ra sao.
Không chỉ mang đến nguy cơ sức khỏe khó có thể tưởng tượng, việc nhập khẩu trái phép bò từ Campuchia và các quốc gia láng giềng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát còn làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là điều này còn ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của chăn nuôi đại gia súc trong nước.
Thực tế, những ngày qua, tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, trâu, bò của người dân không có thương lái thu mua, do nguồn cung thị trường đang quá dồi dào các loại thịt bò nhập khẩu và cả… nhập lậu. Nguồn sinh kế của hàng triệu nông hộ bị mất đi cũng sẽ là chỉ dấu cho sự đổ vỡ của ngành chăn nuôi đại gia súc, một khi trâu, bò vẫn ồ ạt về Việt Nam nhưng thiếu kiểm soát từ biên giới.
Bỏ qua sự nhẫn tâm của những thương lái thu mua bò được chăn nuôi từ nguồn thức ăn có chứa chất cấm Salbutamol, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vùng biên thực sự đáng trách. Một con bò nặng đến hàng trăm kilogam không phải là chiếc kim bé nhỏ để có thể dễ dàng lọt qua cửa khẩu, các trạm kiểm dịch động vật. Liệu rằng “có hay không sự thông đồng của lực lượng chức năng với những thương lái nhập lậu bò?” là câu hỏi rất cần được làm rõ.
Sau thông tin từ cơ quan báo chí T.Ư, Bộ NN&PTNT đã lên tiếng đề nghị UBND các tỉnh có đường biên giới giáp ranh với Campuchia (và cả Lào), bố trí lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y… để tăng cường kiểm soát các trường hợp buôn bán, vận chuyển, nhập lậu trâu, bò trái phép. Động thái của Bộ NN&PTNT khiến người ta nhớ đến câu thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng”. Lẽ ra những biện pháp ngăn chặn phải được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thay vì khi xảy ra nghi vấn mới đôn đốc, nhắc nhở, đề nghị.
Việc xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay cho hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ trâu, bò nhập lậu; làm giả, làm trái quy định trong công tác kiểm dịch nhập khẩu cũng là vấn đề cần được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm. Đã đến lúc không thể nương tay mà cần thiết phải xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm, vì an toàn sức khỏe của các thế hệ người Việt.
Trọng Tùng
Nguồn: Kinh tế Đô thị