Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tăng đàn, “vỗ béo” đàn vật nuôi để xuất bán dịp cuối năm.
Theo các hộ chăn nuôi, năm nay giá vật tư đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh đều tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay đang vào cao điểm đầu tư tái đàn, tăng đàn. Tuy vậy, các sản phẩm chăn nuôi đầu ra thuận lợi, giá tốt nên người nuôi trong tỉnh tăng đàn, kỳ vọng vào “thời điểm vàng” tiêu thụ lớn nhất của năm.
Sau thời gian dài giá heo hơi loanh quanh trong ngưỡng giá trên dưới 60.000 đồng/kg thì bước sang tháng 7 đến nay, giá heo hơi bất ngờ bật tăng mạnh từ 25 – 30% so với đầu năm lên mức 72.000 đồng/kg. Với bình quân heo khi xuất chuồng có giá thành khoảng 70.000 đồng/kg như hiện nay thì sau hơn 3 tháng nuôi, mỗi con heo bán ra, người nuôi có thể lãi được 1 – 1,5 triệu đồng, đây là mức lợi nhuận khá hấp dẫn nên nhiều người nuôi heo tái đàn. Theo tìm hiểu, tâm lý chung của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho biết, họ dè dặt chứ không tăng tái đàn heo mạnh dịp cuối năm bởi lo ngại dịch tả heo châu Phi, mặt khác nguy cung vượt cầu sẽ dẫn đến giá heo hơi giảm mạnh.
Tăng đàn đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm.
Tại xã Thiện Nghiệp, địa phương nuôi heo tập trung nhiều nhất của TP. Phan Thiết với tổng đàn heo của xã khoảng 3.600 con. Ông Nguyễn Thanh Lâu, hộ chăn nuôi lâu năm ở thôn Thiện Trung cho biết: “Mặc dù biết tết là cao điểm tiêu thụ mạnh thịt heo nhưng gia đình tăng tái đàn số lượng không nhiều khoảng 50 – 60 con heo thịt, giữ ổn định heo giống khoảng 10 con vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nếu rủi ro sẽ lỗ vốn”.
Nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi thịt heo cuối năm rất lớn, nhất là thịt heo, gà tăng khoảng hơn 50% so với ngày thường. Vì vậy, người nuôi tập trung tái đàn cung ứng ra thị trường điều này tăng nguy cơ dịch bệnh cao hơn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi khi tăng đàn cần chú ý khâu chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín, giống nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm ngừa. Trong quá trình chăn nuôi tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đó là tiêm phòng vắc xin đầy đủ gia súc, gia cầm. Không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi heo, thường xuyên tiêu độc khử trùng hạn chế mầm bệnh lưu hành khu vực chăn nuôi.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường. Chi cục phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng trên 16,6 triệu liều vắc xin, đạt 111% kế hoạch năm 2022. Trong đó, đàn trâu, bò 157.000 liều, đàn heo 421.200 liều, đàn gia cầm trên 15,9 triệu liều, đàn chó, mèo 36.850 liều. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2022, cấp phát trên 7.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương. Các địa phương huy động, thành lập các đội, tổ phun thuốc sát trùng tổ chức ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các chợ, điểm công cộng…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, tín hiệu tích cực ngành chăn nuôi tỉnh có sự chuyển dịch mạnh từ giảm chăn nuôi nhỏ lẻ sang tăng dần hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Hiện toàn tỉnh có trên 159 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn heo hiện khoảng 341.200 con, tăng 12,9% so cùng kỳ, đàn gia cầm có 6.141 ngàn con, tăng 39,3%. Chăn nuôi bò phát triển ổn định, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho một số hộ chăn nuôi ở nông thôn, toàn tỉnh hiện có 174.800 con bò, tăng 1,9% so cùng kỳ.
T.Duyên
Nguồn: Báo Bình Thuận