Bình Phước: Dịch chồng dịch – người chăn nuôi gặp khó – Bài 1

Những năm gần đây, dịch bệnh trên vật nuôi xuất hiện ngày một nhiều và lây lan trên diện rộng, nhất là đối với trâu, bò, heo. Cùng với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì dịch chồng dịch và “bão giá”. Đồng hành với nhà nông, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tiêm vắc xin trên gia súc để bảo vệ tài sản cho người nông dân…

“TAM TAI” TRÊN VẬT NUÔI

Đối với nhiều hộ nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thì trâu, bò, heo… là những vật nuôi mang lại nguồn lợi kinh tế lớn nhất cho gia đình. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở một số huyện, thị xã trong tỉnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng. Hàng trăm gia súc bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy hoặc giảm khả năng sinh trưởng đã tác động không nhỏ đến nguồn thu chính của các hộ dân.

 

Dịch phát tán nhanh

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại huyện Bù Đốp vào cuối tháng 6/2021. Đến nay, bệnh đã lây lan ra 44 xã của 10/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hiện bệnh có chiều hướng thuyên giảm sau khi đàn gia súc được tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chăn nuôi, nếu các địa phương và người dân không chủ động tăng cường biện pháp ngăn ngừa, phòng chống thì nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất lớn.

Tại huyện Bù Đăng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được ghi nhận vào cuối tháng 7 tại một hộ chăn nuôi ở xã Đoàn Kết. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra 18 hộ chăn nuôi thuộc 7 thôn, khu phố của 4 xã, thị trấn trong huyện. Dịch bệnh đã làm 26 con bò bị nhiễm, trong đó có 2 con bị chết.

nuôi bò bình phước

Dịch bệnh trên đàn gia súc khiến người chăn nuôi gặp khó. Trong ảnh: Anh Điểu Ngên ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh nhiều lo lắng trước dịch bệnh trên đàn bò

Hiện nay, Bình Phước được xem là “vùng xanh” để phát triển chăn nuôi, cung ứng nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành đang là tâm dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn thường trực khiến các hộ dân hết sức đề phòng. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả heo châu Phi cũng đang xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn các huyện: Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Gia Mập. Từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 25 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, bệnh lở mồm long móng ở gia súc cũng đã xuất hiện tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Theo thống kê của địa phương, dịch đã xuất hiện ở 13 con bò của 5 hộ dân. Đến nay đã qua gần 1 tháng không ghi nhận số trâu, bò nhiễm mới.

 

“Gia sản” buộc phải tiêu hủy

Dịch bệnh đã khiến đàn vật nuôi bị tiêu hủy khá nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế các hộ dân. Tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng vừa ghi nhận thêm 1 ổ dịch viêm da nổi cục ở bò của hộ chị Vũ Thị Hiền thuộc khu phố Đức Thiện. Chỉ sau 10 ngày phát hiện, 1 con bê khoảng 3 tháng tuổi đã chết, 3 con còn lại đã trưởng thành và được tiêm vắc xin nên đã ăn uống trở lại bình thường. Theo chị Hiền, lúc đầu thấy bò nổi cục tưởng do muỗi đốt nên chỉ vệ sinh chuồng trại và hun nhang muỗi vào ban đêm. Tuy nhiên, sau vài ngày theo dõi thấy bò ăn ít, dáng đi yếu, bê nóng nên vào mạng internet tìm hiểu thì được biết đây là bệnh viêm da nổi cục. Chị Hiền đã báo với thú y và tìm mọi cách để điều trị, chăm sóc.

Chị Hiền cho biết: Đàn bò của gia đình nuôi nhốt. Tuy nhiên do con bê mới được 3 tháng tuổi nên thả rông. Có thể con bê đã tiếp xúc với một số đàn bò trong khu vực và nhiễm bệnh. Tuy bê con mới 3 tháng tuổi nhưng nặng gần 50kg. Nếu nó khỏe mạnh chúng tôi nuôi thêm ít tháng nữa sẽ bán được hơn 10 triệu đồng. Gia đình đã mất rất nhiều thời gian, tiền của để chữa trị.

Đến nay, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 25 con bò với tổng trọng lượng hơn 3.000 kg, trong đó huyện Bù Đốp bị thiệt hại nhiều nhất. Toàn huyện ghi nhận 128 con nhiễm bệnh của 84 hộ/7 xã, thị trấn với 12 con bò, tổng trọng lượng 1.746 kg bị chết hoặc bệnh quá nặng không thể chữa trị buộc phải tiêu hủy, chiếm gần 50% số bò bị tiêu hủy và hơn 50% trọng lượng. Riêng dịch tả heo châu Phi, huyện phải tiêu hủy gần 2.000 con, với tổng trọng lượng gần 108 tấn.

Đối với những hộ hoàn cảnh khó khăn như anh Lê Hồng Phương ở thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, thì dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã lấy đi phần thu nhập chính của gia đình anh. Hộ anh Phương thuộc diện khó khăn. Gia đình anh có 2 người con thì 1 người bị câm điếc bẩm sinh. Cách đây vài năm, thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, 1 người dân đã bán thiếu cho anh 1 con bò để nuôi làm vốn sinh cơ. Sau thời gian dài chăm sóc, bò mẹ đẻ được 2 con bê. Vừa qua, dịch bệnh viêm da nổi cục đã làm chết 1 con, trị giá khoảng 14 triệu đồng. Anh Phương cho biết: Vợ buôn bán nhỏ, tôi thì lao động tự do và ở nhà cạo mủ cao su. Nhiều năm qua, gia đình dành dụm mãi mới trả hết nợ tiền mua bò giống. Dự tính cuối năm sẽ bán 1 con để sắm sửa vật dụng thiết yếu trong nhà, nhưng dịch bệnh đã lấy đi tài sản được coi là lớn nhất của gia đình tôi.Còn tại huyện Bù Đốp, nơi được xác định xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đầu tiên của tỉnh. Hộ anh Mã Trung Truyền ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến được xem bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh, với 2 con bò đã bị tiêu hủy. Anh Truyền cho biết: Đàn bò của gia đình có 9 con. Đầu tháng 7, gia đình phát hiện bệnh lạ, lúc đầu bò chỉ xuất hiện những u mụn nhỏ sau đó to dần và lan khắp cơ thể, cùng với đó là tình trạng bỏ ăn, nhiều con có triệu chứng sốt. Gia đình đã áp dụng nhiều phương pháp để chữa trị nhưng bò không khỏi bệnh. Sau đó gia đình báo với cơ quan thú y và được biết là bò bị bệnh viêm da nổi cục. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2 con, trị giá hơn 20 triệu đồng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đối với vật nuôi, nhất là trên đàn gia súc đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chủ quan, chưa có biện pháp phòng dịch hiệu quả. Để sớm ngăn chặn dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các biện pháp, kịp thời khống chế dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc cho người chăn nuôi.

Xuân Túc

Nguồn: Báo Bình Phước
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *