Ngày 3.11, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia cầm và các bệnh dịch khác trên đàn vật nuôi.
Năm 2022, lĩnh vực chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển ổn định; trong đó, công tác phát triển tái đàn vật nuôi được chú trọng đẩy mạnh ngay từ đầu năm, tổng đàn vật nuôi có chiều hướng tăng lên, duy trì đều tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, đàn bò hơn 297 nghìn con, tăng 0,6%; đàn heo gần 650 nghìn con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; đàn gia cầm hơn 8,6 triệu con (riêng đàn gà hơn 6,4 triệu con), tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Để duy trì tổng đàn ổn định, ngành nông nghiệp tích cực triển khai các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, điển hình là chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ. Theo đó, đến nay cả tỉnh đã có hơn 85.000 con bò thịt được phối giống (83% kế hoạch năm), kết quả có thêm hơn 71.000 bê lai. Cùng với đó, bên cạnh việc tổ chức tốt liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi heo giữa tỉnh Bình Định và TP Đà Nẵng như lâu nay, ngành nông nghiệp còn phối hợp với 5 huyện miền núi, trung du bước đầu triển khai khá tốt chương trình phát triển gà thả đồi.
Nhân viên thú y tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi. Ảnh: Ngọc Diệp
Đến nay, từng bước tỉnh đã nâng cao chất lượng đàn bò (89% đàn bò là bò lai), bước đầu hình thành vùng chăn nuôi bò tập trung. Ở đàn heo, tỉnh đang chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng hữu cơ, hợp chuẩn VietGAP; hơn nữa các giống heo ngoại cao sản đã chiếm tỷ lệ rất cao (93% đàn heo là heo lai, heo ngoại).
Để khuyến khích người chăn nuôi tham gia sâu vào các chuỗi liên kết, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y kết nối nhiều DN phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm như: Các chuỗi chăn nuôi heo của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Greenfeed Việt Nam… Cùng với đó, Sở cũng xúc tiến triển khai dự án hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm tại Bình Định giữa Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát), dự án này hướng tới góp phần phát triển tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi của Bình Định trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (33 – 36%), vì thế duy trì đàn vật nuôi phát triển ổn định sẽ góp phần đảm bảo giữ được tăng trưởng chung toàn ngành. Do đó, chúng tôi thường xuyên giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm, phát tán mầm bệnh từ hoạt động mua bán, vận chuyển. Từ đây đến cuối năm, Chi cục tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; đồng thời rà soát toàn diện để có số liệu phù hợp nhằm triển khai kịp thời các chính sách về phát triển chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi tỉnh ta phát triển tốt, phát huy các điều kiện, lợi thế riêng của địa phương, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi giống vật nuôi phù hợp; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung phù hợp thế mạnh của từng vùng trong tỉnh. Trong đó, Hoài Ân sẽ là vùng chăn nuôi heo tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh; các vùng Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn sẽ tập trung chăn nuôi bò;
5 huyện miền núi và trung du nuôi gà thả đồi. Và đặc biệt, tỉnh ta sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, trong đó tìm cách thu hút nhiều DN đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm.
“3 vấn đề mà ngành chăn nuôi Bình Định đang đối mặt là biến động về giá thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ chăn nuôi và giá mua bán sản phẩm thấp khiến người chăn nuôi gặp khó; dịch bệnh diễn biến phức tạp và quy mô chăn nuôi còn ở mức nhỏ khiến việc kiểm soát dịch bệnh và đầu tư chuyển hướng chăn nuôi tiên tiến gặp nhiều trở ngại. Do vậy, cùng với mục tiêu trước mắt của những tháng cuối năm 2022, chúng tôi nỗ lực xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển 3 nhóm vật nuôi chủ lực gắn từng địa phương; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo định hướng liên kết 4 nhà “nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – DN” để nâng giá trị toàn ngành chăn nuôi. Hy vọng sẽ xây dựng được nền móng tốt để ngành chăn nuôi có thêm cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển bền vững!”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định