Bình Định: Người chăn nuôi vượt khó cuối năm

Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang tái đàn gia súc, gia cầm với kỳ vọng bán được giá cao vào dịp cuối năm, bù đắp lại phần nào gần một năm chưa suôn sẻ.

Vượt khó, kỳ vọng vào cuối năm

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), số lượng đàn vật nuôi chủ lực đều tăng so với năm ngoái, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn khó khăn khi chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định… cộng với giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, dù trước đó có thời điểm giảm nhưng không đáng kể. Trước những khó khăn đó, nhiều nông hộ, chủ trang trại, gia trại, DN phải giảm đàn để tránh thua lỗ sâu, thậm chí có những trang trại buộc phải bỏ trống chuồng do không đủ vốn để duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay: Hoài Ân được xem như “thủ phủ heo miền Trung” với tổng đàn hiện có khoảng 270 nghìn con và hơn 800 nghìn con gia cầm (chủ yếu là gà). Hiện giá heo hơi đang sụt giảm mạnh, ở mức 47.000 – 48.000 đồng/kg, người nuôi gần như không có lãi. Trước đó, những tháng đầu năm, giá heo hơi cũng bấp bênh, kéo dài ở ngưỡng thấp, nên đa phần người chăn nuôi gặp khó khăn.

Để cung ứng cho vụ chính thị trường tết Nguyên đán 2024 sắp tới, nông dân, DN đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm. Theo ông Mai Văn Rõ, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), giá gà chỉ mới tăng từ tháng 9 đến nay, hiện gà ta thả vườn thương lái mua bình quân từ 58.000 – 60.000 đồng/kg chứ trước đó chỉ ở mức 44.000 – 46.000 đồng/kg. Chuẩn bị cho thị trường cuối năm, ông Rõ đang nuôi hơn 9.000 con gà theo hướng nuôi trại và thả vườn; trong đó, có 3.000 con gà thả vườn hơn 1 tháng tuổi. “Hy vọng, từ nay đến hết năm, giá gà tiếp tục tăng, giúp người chăn nuôi vui vẻ ăn Tết!”, ông Rõ mong mỏi.

nuôi gà cuối năm

Ông Trần Cao Đệ, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) đang chăm sóc đàn gà gần một tháng tuổi. Ảnh: T.LỢI

Tương tự, ông Trần Cao Đệ, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) đang thả nuôi 3.000 con gà ta gần một tháng tuổi. Trước đó, vào giữa tháng 10, ông xuất bán lứa gà gần 3.000 con, với giá bình quân 58.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi ròng hơn 70 triệu đồng. Tuy vậy, ông Đệ thừa nhận mình là người may mắn, vì nhiều người chăn nuôi gà trong vùng phải “treo chuồng” do gà mắc bệnh, thua lỗ nặng.

Các hộ nuôi heo ở huyện Hoài Ân, TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn… đã tập trung tái đàn heo từ đầu tháng 10 đến nay nhưng còn hạn chế số lượng. Cụ thể, nông hộ chủ yếu nuôi 5 – 10 con để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phục vụ gia đình và bán ra thị trường Tết sắp tới. Số ít chủ trang trại, DN nuôi 200 – 300 con theo hướng chuồng trại khép kín, công nghệ sinh học. Anh Nguyễn Phúc Ánh, ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), chia sẻ đang nuôi 300 con heo thịt một tháng tuổi. Anh hy vọng, từ nay đến cuối năm, giá heo hơi sẽ tăng trở lại, thay vì èo uột như lúc này, khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Thận trọng để tránh rủi ro

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm này, hầu hết nông hộ, cơ sở, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tái đàn để có sản phẩm phục vụ Tết, tuy nhiên từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố bất lợi. Trước hết, là diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, lạnh cộng với nguồn thức ăn khan hiếm dễ dẫn đến giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là ở các địa phương miền núi. Khả năng bão lũ xảy ra gây thiệt hại lớn tổng đàn vật nuôi. Dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh do chưa có vắc xin để phòng, nhất là dịch tả heo Châu Phi. Dịch bệnh cúm gia cầm nguy cơ xảy ra do hầu hết người chăn nuôi chưa chú tâm tiêm vắc xin phòng bệnh.

“Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét trên vật nuôi. Để ổn định lâu dài, người chăn nuôi cần tham gia các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài tránh rủi ro về đầu ra, việc tham gia liên kết cũng giúp người chăn nuôi nâng dần trình độ sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi”, ông Diệp định hướng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc chia sẻ: Người chăn nuôi thận trọng và có kế hoạch cụ thể khi tổ chức sản xuất, chỉ nên tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh, nhất là đối với heo, bò, gà. Đồng thời, với tổng đàn như hiện nay, cộng với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoàn toàn có cơ sở khẳng định các sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh cuối năm nay dồi dào, bảo đảm đủ nguồn cung… cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Văn Hưng, chủ Đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y Hưng ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi giảm 6 đợt (từ tháng 5 đến tháng 10), bình quân một đợt giảm 4.500 đồng/bao. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi heo mang các nhãn hiệu như CP, Cargill, Con Cò, CJ… đang ở mức từ 300 – 440 nghìn đồng/bao (25 kg/bao, tùy loại); 320 – 330 nghìn đồng/bao (25 kg/bao, tùy loại) đối với giá thức ăn chăn nuôi gà. So với năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi năm 2023 có giảm, nhưng không đáng kể.

Trọng Lợi

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *