(Người Chăn Nuôi) – Để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2042/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đối với 3 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là bò, heo, gà gắn với phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, tổng đàn bò dự kiến khoảng 350.000 con, đàn heo 1 triệu con, đàn gà 12 triệu con. Duy trì mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2026 – 2030 trung bình từ 4,5 – 5%/năm. Sản lượng thịt các loại 300.000 tấn/năm. Sản lượng trứng 650 triệu quả/năm. Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung đạt tương ứng khoảng 80% và 70%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 – 30%.
Mô hình chăn nuôi gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định). Ảnh: ST
Xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc các huyện Hoài Ân, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát; vùng an toàn dịch bệnh dại tại Quy Nhơn, một số địa phương thuộc An Nhơn, Hoài Nhơn; vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ; vùng chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
Toàn tỉnh phấn đấu đạt 90 trang trại quy mô lớn, 200 trang trại quy mô vừa, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số với 100% trang trại quy mô lớn và 50% trang trại quy mô vừa. Tiếp tục hình thành và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
Theo Kế hoạch dự kiến đến năm 2045, Bình Định sẽ không chú trọng phát triển tổng đàn gia súc mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt gia súc; chú trọng phát triển đàn gà thịt, gà trứng; phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết. Trong đó, sản lượng thịt các loại từ 350.000 – 370.000 tấn/năm. Sản lượng trứng 900 triệu quả/năm. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó, khoảng 30% được chế biến sâu. Bên cạnh đó, Bình Định sẽ tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Định cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục rà soát, ban hành, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi; Có các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi; Phát triển đàn vật nuôi chủ lực; Phát triển các vùng chăn nuôi; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; Nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Trong đó, riêng với nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật, tỉnh chủ trương tổ chức tiêm phòng đầy đủ, đạt tỷ lệ các loại vaccine phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, duy trì giám sát lưu hành mầm bệnh, giám sát sau tiêm phòng. Chú trọng các loại vaccine phòng bệnh như cúm gia cầm; lở mồm long móng trâu, bò, heo; viêm da nổi cục trâu, bò; dịch tả heo châu Phi; đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; kiểm soát và phòng, chống kháng thuốc. Từng bước thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh tự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường
Cùng đó, đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật; thống nhất điều hành hoạt động trên toàn quốc, vừa bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung ứng con giống, thực phẩm cho thị trường; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản… góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải…
Minh Khuê