Bình Định: Chủ động phòng dịch, đảm bảo tiêm vắc xin đúng kế hoạch

Theo thông tin của ngành nông nghiệp, tình hình dịch bệnh trong nước, đặc biệt là một số tỉnh lân cận với tỉnh Bình Ðịnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Cùng với công tác tiêm phòng, ngành nông nghiệp khẩn trương phối hợp với các địa phương chủ động các giải pháp ngăn ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.

Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập

Theo thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang diễn biến phức tạp; 53 tỉnh, thành đã ghi nhận bệnh dịch tả heo châu Phi; 16 tỉnh, thành xuất hiện bệnh viêm da nổi cục; 22 tỉnh, thành phát hiện bệnh cúm gia cầm. Đáng lưu ý là một số tỉnh lân cận với tỉnh ta đã xuất hiện dịch bệnh, trong đó đầu tháng 3.2023, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện ổ dịch bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục trên đàn trâu bò.

lấy mẫu gia cầm

Cán bộ thú y chủ động lấy mẫu giám sát để sớm cảnh báo nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi Thú y

Nhận định tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa không để dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt các đợt tiêm phòng, đặc biệt trong tình hình hiện nay phải tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo dịch bệnh để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Cụ thể, với bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh ở heo được khống chế liên tiếp trong 2 năm (2021 – 2022) và đến nay không ghi nhận ca bệnh. Đối với bệnh cúm gia cầm, chỉ ghi nhận bệnh ở 1 hộ nuôi chim trĩ trên địa bàn huyện Vân Canh vào tháng 5.2022 (sau gần 8 năm không xảy ra dịch cúm gia cầm) và được khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan. Hiện tại, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp dịch cúm gia cầm nào. Riêng với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả heo châu Phi trong năm 2022 có xuất hiện các ổ dịch cục bộ ở một số địa phương, ngành chức năng đã khoanh vùng và xử lý. Đến gần hết quý I/2023, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nào phát sinh với 2 dịch bệnh nói trên.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, song trước tình hình dịch bệnh ở trong nước, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh diễn biến phức tạp, thì mối nguy về dịch bùng phát là rất lớn. Quan điểm của ngành là không được lơ là, chủ quan mà phải tập trung cao độ để thực hiện công tác phòng chống dịch. “Đàn vật nuôi là tài sản lớn của người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế của ngành. Chính vì thế, Chi cục đã cử cán bộ đứng chân địa bàn phải chủ động lấy mẫu giám sát, cảnh báo sớm các nguy cơ; phối hợp với các địa phương kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật trên địa bàn. Đồng thời, Chi cục chỉ đạo Trạm kiểm dịch động vật phải chú trọng  công tác kiểm dịch, nhằm ngăn chặn các mối nguy dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh”, ông Diệp thông tin thêm.

 

Triển khai tiêm vắc xin đúng kế hoạch

Hiện nay, các địa phương bắt đầu triển khai tiêm vắc xin đợt 1 cho đàn vật nuôi với các nhóm bệnh gồm viêm da nổi cục, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi…

Với một địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn như Hoài Ân, ngành chức năng của huyện đã rà soát và triển khai tiêm phòng đợt 1. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết, theo kế hoạch ngày 30.3 – 30.4, huyện tổ chức tiêm đợt 1 đối với bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc; tiêm khép kín đối với bệnh viêm da nổi cục và bệnh cúm gia cầm. Riêng bệnh dịch tả heo châu Phi sẽ rà soát và hướng dẫn các cơ sở đủ điều kiện, tham gia tiêm có giám sát từ cơ quan chuyên môn để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Hiện, Hoài Ân đã tiêm 1.900 liều vắc xin viêm da nổi cục, các vắc xin phòng bệnh khác đang triển khai theo kế hoạch.

Tương tự, TX Hoài Nhơn đã hoàn thiện kế hoạch tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2023 dựa trên kế hoạch chung của toàn tỉnh. Cùng với đó, chính quyền các cấp TX Hoài Nhơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi chú trọng tham gia tiêm phòng đảm bảo tỷ lệ cho đàn; đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân ở vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi.

Đến nay, hầu hết địa phương đều bắt đầu triển khai tiêm vắc xin đợt 1 cho đàn vật nuôi theo đúng kế hoạch về tiến độ và số lượng. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết thêm, với những vắc xin được hỗ trợ 100% ngân sách thì công tác tiêm phòng không gặp nhiều trở ngại, song với nhóm vắc xin phải đối ứng chi phí (viêm da nổi cục, lở mồm long móng) nhiều hộ chăn nuôi chưa chủ động đăng ký tiêm phòng. Trước mắt, Chi cục cùng với địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và chấp hành, đồng thời có thêm những giải pháp trong quá trình tổ chức tiêm để giảm rủi ro, hao hụt vắc xin, tiết giảm chi phí cho người chăn nuôi.   

Thu Dịu

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *