(Người Chăn Nuôi) – Bệnh cầu trùng do sinh vật đơn bào Isospora suis, thuộc nhóm động vật nguyên sinh nội bào, gây ra. Bệnh thường xảy ra ở heo dưới 3 tháng tuổi, phổ biến là từ 5 đến 21 ngày tuổi.
Nguyên nhân
Bệnh cầu trùng do nguyên sinh động vật Isospora suis, thuộc nhóm Protozoa nội bào gây ra. Chúng ký sinh trong cơ thể heo và phát triển ở niêm mạc ruột non tạo thành những kén hợp tử nhỏ. Sau đó, các kén này được thải ra môi trường ngoài, khi gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ phát triển thành bào tử trùng tạo nên các kén bào tử. Khi heo ăn phải các kén bào tử này chúng sẽ được phóng thích và đi đến các tế bào ruột non sinh sản và phá hủy ruột của heo trong vòng 12 – 24 giờ ở nhiệt độ 20 – 350C, làm cho heo bị tiêu chảy.
Bệnh phổ biến trên toàn thế giới, tỷ lệ nhiễm ở Việt Nam là 20 – 50% tại các trang trại chăn nuôi heo mật độ cao và kém vệ sinh.
Thực hiện tốt chế độ chăm sóc để hạn chế bệnh. Ảnh: Msschippers
Triệu chứng
Heo bệnh thường hay nằm, uể oải, kém ăn. Biểu hiện chính của heo bệnh thường là tiêu chảy, trong giai đoạn đầu heo bị tiêu chảy phân màu trắng sữa, rồi chuyển sang vàng, xám sền sệt, xanh lá cây, thậm chí chảy cả máu, hay chuyển sang lỏng hơn tùy thuộc vào mầm bệnh kế phát và mức độ trầm trọng của bệnh. Trên thân heo con dính đầy phân lỏng, ẩm ướt và có mùi khó chịu. Khi heo bị tổn thương đường ruột, chúng sẽ mất khả năng tiêu hóa làm cho heo bị nôn ra sữa, khiến heo bị mất nước, lông xù.
Bệnh tích
Heo bệnh khi mổ khám bệnh tích thể hiện rõ ở ruột non. Bệnh ở mức độ nhẹ, các kén bào tử chưa gây nhiều tổn thương cho cơ thể, ruột có biểu hiện sưng phồng và hơi cương lên; đôi khi còn thấy xuất hiện máu đông tại niêm mạc ruột. Nếu heo mắc bệnh nặng, bị nhiễm trùng một lượng lớn kén bào tử, ruột sẽ bị viêm tràn lan kèm theo fibrin và hoại tử ruột. Đối với những con heo nhiễm bệnh nặng nhưng có khả năng sống sót, khi mổ khám thấy phần ruột và niêm mạc ruột bị teo lại, tế bào niêm mạc ruột bị hư hại, làm cho heo chậm lớn, còi cọc.
Điều trị
Cách ly heo bệnh ra ô chuồng riêng.
Vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ trong và ngoài khu vực trại ít nhất 0,5 km định kỳ 2 ngày/lần.
Sử dụng Toltrazuril để điều trị bệnh. Liều dùng tùy thuộc khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng thường là 1 ml/2,5 kg thể trọng, dùng 1 lần duy nhất phun qua đường miệng.
Cùng đó, kết hợp tiêm và trộn kháng sinh hoạt phổ rộng phòng các mầm bệnh kế phát cho heo như Amoxicilin – Colistin. Đồng thời, sử dụng cùng các thuốc bổ trợ khác để giúp heo có thể nhanh chóng phục hồi như Vitamin K, B – Complex, điện giải, men tiêu hóa… và cung cấp đủ lượng nước cho heo. Để việc trị bệnh cho heo đạt kết quả tối ưu nhất, người nuôi cần tập trung vào việc phòng bệnh tổng hợp đồng bộ cho toàn bộ heo nuôi và toàn thể trang trại.
Phòng bệnh
Thực hiện các phương pháp an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine cho heo con cũng là yếu tố đảm bảo cho việc phòng bệnh cầu trùng mang lại hiệu quả. Tiến hành cho heo con 3 – 5 ngày tuổi uống Toltrazuril với lượng 0,5 ml/con, giúp heo con an toàn đối với bệnh cầu trùng trong suốt thời gian nuôi.
Vệ sinh chuồng trại là một yếu tố quan trọng trong toàn bộ quá trình nuôi và kiểm soát bệnh cầu trùng. Kết thúc 1 lứa heo cần vệ sinh cơ học (quét, rửa bằng nước…) lại toàn bộ khu vực chuồng trống (cả nền, tường, dụng cụ…), loại bỏ rác bẩn, chất chứa. Ngâm dụng cụ (sàn nhựa…) vào dung dịch sát trùng mạnh NaOH (xút) trong 1 – 2 ngày rồi vớt ra cọ rửa lại. Đồng thời, pha NaOH phun vào ô chuồng rồi để khoảng 1 tuần cho thật khô ráo mới nhập đàn heo mới.
Trong quá trình nuôi, áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ như dọn sạch phân, cọ rửa sạch sẽ chuồng trại hàng ngày; không cho heo con tiếp xúc với phân và các chất độn chuồng để tránh nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh; không để nền chuồng ẩm ướt; khử trùng, làm sạch các mầm bệnh tự do trong trại bằng cách định kỳ thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại thuốc sát trùng; nguồn nước, nước uống phải cung cấp đủ, sạch, không bị nhiễm bẩn và đạt chuẩn theo quy định tiêu chuẩn.
Xử lý rác bẩn thường xuyên (đốt, vứt xa khu chăn nuôi). Tốt nhất mỗi trại nên có 1 khu vực xử lý rác riêng. Đặt bẫy và phun thuốc diệt ruồi đặc hiệu (nếu ruồi quá nhiều).
Khi nuôi với mật độ cao, diện tích quá chật hẹp sẽ làm chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh, do đó mật độ nuôi phải đúng quy định, diện tích cho vật nuôi tối thiểu để đảm bảo sự sinh trưởng của heo đạt hiệu quả tối ưu; có biện pháp xử lý chất thải như xây Biogas… để tránh gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và cộng đồng.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các loại men vi sinh, các chất điện giải giúp tăng sức đề kháng ở heo nuôi; quản lý, nuôi dưỡng thích hợp sẽ làm tăng sức chống chịu, tránh bớt stress và giảm khả năng lan truyền dịch bệnh, giúp ích cho công tác vệ sinh, bảo vệ sức khỏe đàn heo từ đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.
Lê Loan