Bệnh thương hàn trên chim bồ câu

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Bệnh thương hàn trên chim bồ câu có biểu hiện như thế nào, cách phòng, chữa bệnh này ra sao?

Trả lời:

Thương hàn là một bệnh chung của bồ câu, gà, ngan, ngỗng, vịt với hội chứng viêm ruột, ỉa chảy. Bệnh gây ra do vi khuẩn Salmonella gallinarum và S.enteritidis thuộc họ Enterbacteriacae. Biểu hiện bên ngoài là chim kém hoạt động, kém ăn, uống nước nhiều. Sau đó, thân nhiệt tăng, chim đứng ủ rũ một chỗ, thở gấp, đặc biệt là ỉa chảy, phân màu xanh hoặc xám vàng, vài ngày sau phân có lẫn máu. Có con chết sau 3 – 5 ngày. Khi mổ khám chim ốm thấy: Tụ huyết, xuất huyết và tổn thương các niêm mạc đường tiêu hóa. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa nhưng cũng lây qua trứng khi bồ câu mẹ bị nhiễm bệnh, ở các khu vực nuôi gà lẫn với bồ câu trong cùng chuồng trại và môi trường sinh thái, bồ câu thường bị lây nhiễm mầm bệnh từ gà. Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm nhưng thường xuất hiện vào các tháng có thời tiết ấm áp và ẩm ướt trong mùa xuân, đầu mùa hè và cuối mùa thu.

 

Điều trị:

Dùng phối hợp hai loại thuốc là Tetracyclin, liều 50 mg/kg thể trọng + Bisepton, liều 50 mg/kg thể trọng. Thuốc có thể pha thành dung dịch đổ cho chim uống trực tiếp, liên tục trong 3 – 4 ngày. Kết hợp trợ sức, trợ lực.

 

Phòng bệnh:

Cần thực hiện vệ sinh chuồng trại và vệ sinh môi trường; nuôi dưỡng chim với khẩu phần ăn thích hợp và đảm bảo thức ăn, nước uống sạch. Khi có bệnh xảy ra cần cách ly chim ốm để điều trị; chim ốm chết phải chôn có đổ vôi bột hoặc sát trùng. Toàn bộ số chim cùng chuồng với chim ốm phải cho uống Sulfamethazone 5/1.000 từ 3 – 5 ngày liền. Cần thường xuyên bổ sung các vitamin để nâng cao đề kháng cho chim.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *