(Người Chăn Nuôi) – Tất cả các loài gia cầm nuôi và hoang cầm đều có thể mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra trong thời gian nuôi úm hoặc gia đoạn dò. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn trong quá trình chăn nuôi.
Nguyên nhân
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể:
– Yếu tố di truyền: Khiếm khuyết cấu trúc hoặc rối loạn chức năng do di truyền gây ra ở hệ tiêu hóa làm cho khả năng đồng hóa và dị hóa bị rối loạn;
– Gia cầm bị thiếu thức ăn (thiếu cả chất và lượng so với nhu cầu của cơ thể trong thời gian dài);
– Thức ăn mất cân bằng dinh dưỡng đam, chất béo, vi lượng gây rối loạn trao đổi chất;
– Các yếu tố stress bất lợi: Thiếu máng ăn, máng uống, thiếu nước uống, mật độ chăn nuôi đông, tiểu khí hậu không tốt, chứa nhiều khí độc CO2, H2S, NH3 trong chuồng nuôi;
– Trong thức ăn, nước uống chứa nhiều nấm mốc, vi sinh vật sinh độc tố gây hại.
– Các vi khuẩn và ký sinh trùng cơ hội cộng sinh trong cơ thể gia cầm, chúng sẽ trở thành độc lực gây bệnh khi các stress bất lợi thúc đẩy.
Ðặc điểm
Tất cả các loài gia cầm nuôi và hoang cầm đều có thể mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra trong thời gian nuôi úm hoặc gia đoạn dò. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn trong quá trình chăn nuôi.
Triệu chứng
Bệnh suy dinh dưỡng thể hiện ở 3 mức độ khác nhau:
+ Mức 1: Trọng lượng cơ thể giảm đến 20% so với bình thường.
+ Mức 2: Trọng lượng cơ thể giảm 20 – 40%.
+ Mức 3: Trọng lượng cơ thể giảm trên 40%.
Gia cầm nhiễm bệnh có các biểu hiện gồm: Xương lưỡi hái (xương ngực) nhô cao, hai bên lườn không hoặc có rất ít thịt. Mất cân bằng tỷ lệ chiều cao cơ thể với khối lượng cơ (phần mềm) của cơ thể, trong đó nghiêng nhiều về chiều cao.
– Cơ đùi nhão, giảm mạnh về khối lượng.
– Thân nhiệt luôn nằm ở giới hạn thấp hoặc dưới mức bình thường đặc thù cho mỗi loài gia cầm.
Mổ khám
Da giảm khả năng đàn hồi;
Cơ đùi, cơ ngực teo, nhão và giảm mạnh về khối lượng;
Không hoặc có rất ít lớp mỡ dưới da;
Các cơ quan nội tạng bị teo quắt, đặc biệt là đường tiêu hóa;
Toàn thân suy nhược, gầy gò.
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích.
Nếu cần có thể tiến hành xét nghiệm: Hemoglubin, hồng cầu, đường huyết và đạm tổng số trong máu đều bị giảm dưới mức bình thường.
Ðiều trị
Tăng cường kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, đặc biệt chú trọng chất lượng thức ăn. Cần bổ sung Super – Vitamin hoặc Doxyvit.Thái, lượng 6 – 10 g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 1 tháng.
Tiến hành giải độc cho cơ thể bằng cách dùng 40 g bổ gan – lách – thận TA hoặc TA. Sorbitol + B12 và 200 g Gluco K.C.B2 cho 100 kg gia cầm ăn, uống 1 ngày, dùng liên tục trong 10 – 15 ngày.
Chú ý tránh các yếu tố stress có hại, giãn mật độ nuôi, đảm bảo đủ máng ăn, máng uống, hạn chế các loại khí độc trong chuồng nuôi.
Có thể tẩy giun sán bằng Leva, liều 20 g/100 kg gia cầm, cho ăn 1 lần duy nhất.
Phòng bệnh
Chủ động loại bỏ các yếu tố gây nên hội chứng suy dinh dưỡng như phần điều trị đã nêu. n
PGS.TS Lê Văn Năm
Chuyên gia Thú y