Bệnh bại huyết ở thỏ

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Thỏ sốt 40 – 410C, bỏ ăn, ngủ mê, thở khó, co giật, sau đó hạ thân nhiệt rồi chết. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp chữa trị ra sao?

Trả lời:

Với các dấu hiệu trên, có thể thỏ đã mắc bệnh bại huyết (rabbit haemorrhagic disease – RHD). Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do Calicivirus gây ra. Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu. Bệnh thường xảy ra ở thỏ từ 50 ngày tuổi, có tính lây lan nhanh và gây chết hàng loạt. Tỷ lệ chết khoảng 80 – 100%. Đặc biệt, bệnh có thể xảy ra quanh năm, nên lưu ý đề phòng bệnh bại huyết cẩn thận trong suốt quá trình nuôi thỏ.

Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc trực tiếp với thú bệnh hoặc gián tiếp thông qua không khí, các chất thải như phân, nước tiểu, thức ăn, dụng cụ vật nuôi. Thỏ bệnh cũng có thể trở thành vật mang trùng và có thể đào thải virus ra môi trường trong vòng 4 tuần sau khi khỏi bệnh. 

Khi thỏ mắc bệnh bại huyết có một số triệu chứng cơ bản được phân thành nhiều cấp độ khác nhau như: Ở thể quá cấp, thỏ sẽ chết mà không bộc lộ triệu chứng; Thể cấp tính, thỏ sốt 40 – 410C, bỏ ăn, ngủ mê, thở khó, hạ thân nhiệt rồi chết; Còn ở thể á cấp tính, thỏ sẽ có những triệu chứng sốt, co giật, kêu la, chảy máu mũi rồi chết.

Bệnh do virus gây ra nên điều trị không có kết quả, chủ yếu là chủ động các biện pháp phòng bệnh. Theo đó, cần thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Phòng bệnh bằng vaccine. Tiêm dưới da hay tiêm bắp cho thỏ từ 45 ngày tuổi với liều dùng: 1 ml/con. Lặp lại sau 2 tuần và 6 tháng. Thỏ khi được tiêm vaccine sẽ miễn dịch với bệnh sau 5 – 7 ngày tiêm và kéo dài hơn 6 tháng. Thỏ mẹ được tiêm phòng bảo vệ thỏ con 6 – 12 tuần.

Khi có dịch bệnh xảy ra, việc đầu tiên phải thực hiện là cách ly thỏ bị bệnh với thỏ khỏe mạnh. Tiến hành quét dọn vệ sinh chuồng trại, chất thải, dụng cụ và lối ra vào chuồng trại, phun các chất sát trùng. Phải thay trang phục bảo hộ và tắm rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi trại. Thực hiện các biện pháp tăng sức đề kháng cho thỏ khỏe mạnh. Thỏ bệnh, thỏ chết phải đốt xác hoặc chôn sâu giữa 2 lớp vôi bột.

hỏi đáp chăn nuôi

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *