Bão số 3 gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Cơn bão số 3 đi qua đã khiến cho đời sống của người dân tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc bị đảo lộn, thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhiều vật nuôi bị chết do nước lũ. 

Thiệt hại vô cùng lớn 

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổng hợp nhanh tại huyện Lục Nam, đến 17 giờ ngày 8/9, có khoảng 6.500 con gia cầm bị chết (riêng hai xã Bình Sơn và Lục Sơn có khoảng 3.000 con gà, vịt bị chết, lũ cuốn trôi). Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 1 triệu con heo, hơn 20 triệu con gia cầm và nhiều đàn trâu, bò, ngựa. Thiệt hại về đàn vật nuôi do bão số 3 hiện đang được các địa phương trong tỉnh tiếp tục thống kê.

Tại Vĩnh Phúc, bão số 3 đã gây thiệt hại với ước tổng thiệt hại sơ bộ trên toàn tỉnh khoảng 20,6 tỷ đồng. Riêng huyện Yên Lạc có 10 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái; huyện Tam Dương có 180 m2 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái. 

thiệt hại bão Yagi

Người dân khẩn trương di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn. Ảnh: ST

Thống kê đến ngày 9/9, tại Bắc Kạn, bão số 3 đã làm hư hại 292,6 ha nông nghiệp, trong đó phá hỏng 16 chuồng trại. Mưa lớn kèm theo sạt lở tại Sơn La đã làm 10 con gia súc bị chết. Sáng 9/9, thành phố Thái Nguyên có 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Lực lượng chức năng tại đây đã hỗ trợ di dời 29.000 con gà, 150 con heo trên địa bàn các xã Đồng Liên, Sơn Cẩm, phường Cam Giá. Các địa phương vẫn đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực bị ngập.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều huyện của thành phố Hà Nội cũng bị thiệt hại khá lớn về sản xuất. Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây, tính đến 14 giờ ngày 8/9, có 1 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Xuân Sơn bị ngập, làm chết hơn 8.000 con gà… Cụ thể, trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Hồng Minh ở thôn Xóm Bướm bị ngập nặng. Được biết trang trại này có tổng diện tích 3.000 m2 với 3 chuồng nuôi 36.000 con gà công nghiệp gần 30 ngày tuổi, chuẩn bị xuất chuồng. Tuy nhiên, mưa bão đã làm cả 3 chuồng bị ngập. Trong ngày 8/9, đã có 8.600 con gà bị chết do đuối nước, gia đình ông Minh đã báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện chôn tiêu hủy theo quy định trong buổi chiều cùng ngày. Sáng 9/9, nhiều con gà tiếp tục bị chết và yếu, khó cứu sống, ước tính khoảng 8.000 con.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi

Hiện nhiều địa phương miền Bắc đang tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão. Đối với đàn vật nuôi, cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi sau mưa lũ, kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân, sau mưa bão, thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe của vật nuôi. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục.

thiệt hại bão Yagi

Vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo nhất là sau mưa lũ. Ảnh: ST

Ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tăng cường cán bộ về các thôn, xã cùng với cán bộ phụ trách thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Các cơ sở, hộ chăn nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… Người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Không tái đàn khi chưa bảo đảm về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *