(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, năm 2021 ngành chăn nuôi vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đàn vật nuôi phát triển rất nhanh. Để đảm bảo cho một năm 2022 thuận lợi và hiệu quả, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng đưa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trên cả nước.
Kết quả khả quan
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, số lượng đàn gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định. Cụ thể, tổng đàn gia cầm hơn 515 triệu con (tăng 5,8%), tổng đàn heo 28 triệu con (tăng 7,1%), đàn bò 6,5 triệu con (bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%), đàn trâu giảm 2,4%; Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn; Sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả. Có thể nói, đây là thành quả đáng nể của toàn ngành trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi tăng mạnh, đặc biệt là Dịch tả heo châu Phi (ASF), viêm da nổi cục trâu, bò, cúm gia cầm…
Trong đó, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã, thuộc 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 457 nghìn con gia cầm; ASF xảy ra tại 3.154 xã, thuộc 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 289 nghìn con; Bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 4.349 xã, thuộc 55 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 29.100 con gia súc; Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 89 xã, thuộc 18 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 349 con gia súc…
Các địa phương cần tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho gia súc, gia cầm – Ảnh Thequint
Bên cạnh ngăn chặn dịch bệnh, ngành cũng tích cực xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, trong năm 2021, đã có 316 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 295 cơ sở do địa phương cấp và 21 vùng, cơ sở do Cục Thú y cấp (7 huyện và 1 thành phố an toàn đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle, lở mồm long móng và Dịch tả heo cổ điển. Lũy kế đến nay, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh), bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Bảo vệ tốt thành quả
Năm 2022, Cục Thú y nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi ngay từ đầu năm rất cao, vì nhiều nguyên nhân như: Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn và có thể tiếp tục gia tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; Tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng; Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh (như ASF, viêm da nổi cục); Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào các dịp lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số; Thời tiết biến động bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh COVID-19.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm; Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
Cùng đó, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm…
Để bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine cho đàn gia súc, gia cầm (trừ ASF là chưa có vaccine), tăng cường giám sát các ổ dịch để kịp thời có các giải pháp ứng phó, xử lý hữu hiệu. Cùng đó, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở, trang trại chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn cung thực phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các tháng đầu năm 2022 là thời gian cao điểm về tái đàn vật nuôi, mật độ đàn vật nuôi tăng cao, thời tiết giao mùa nên rất dễ phát sinh dịch bệnh động vật; Cùng với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan, mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại nhiều địa phương… nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra là rất cao. Do đó, cần chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Chỉ đạo tổ chức xây dựng, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong công tác thú y. Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt các chuỗi, vùng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến:
Chăn nuôi và thủy sản chiếm khoảng 51% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Vì vậy, bảo đảm được vai trò của ngành thú y thì mới tạo điều kiện cho lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi phát triển, thực hiện chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp năm 2022 là tăng trưởng 2,5 – 2,8%, kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.
Phan Thảo