Một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh hiện nay đó là giá sản phẩm của ngành chăn nuôi có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao bởi nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập, tăng mạnh. Đứng trước khó khăn kép này, nhiều trang trại, gia trại phải hoạt động cầm chừng, liên tục bù lỗ, giảm số lượng đàn, thậm chí, buộc phải bỏ trống chuồng chờ giá thức ăn bình ổn trở lại. Để ngành chăn nuôi giữ vững vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, rất cần các cơ chế thỏa đáng của nhà nước và nội lực từ chính người chăn nuôi.
Nỗi lòng người chăn nuôi
Gặp ông Ngô Văn Chiến, Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh, xã Đông Thọ (Yên Phong), chúng tôi mới biết những khó khăn mà người nuôi đang vấp phải. Ông Chiến chia sẻ: “HTX chúng tôi chuyên sản xuất con giống gia cầm, quy mô chăn nuôi khoảng 3.000 con gia cầm bố mẹ, mỗi tháng cung ứng ra thị trường 95.000 con gia cầm giống. Lượng thức ăn chăn nuôi tiêu tốn mỗi ngày 500 kg. Thời gian qua, do giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 2.000 – 2.500 đồng/kg, trong khi giá con giống không tăng, có thời điểm giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất, nên từ đầu năm đến nay, HTX bù lỗ hơn 1 tỉ đồng. Nếu giá thức ăn không giảm, giá con giống không tăng thì HTX thực sự đứng trước nguy cơ thu hẹp hoạt động”. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá thức ăn chăn nuôi tăng chính là ở các hộ chăn nuôi gia cầm, bởi số trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm chiếm ưu thế toàn tỉnh, tổng đàn 5,6 triệu con. Sản phẩm từ gia cầm cũng đóng vai trò chủ lực trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nếu thiếu hụt sẽ ảnh hưởng lớn đến cung – cầu, khiến lạm phát tăng cao.
Trải lòng với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, xã Đức Long (Quế Võ) không khỏi lo lắng: “ Mỗi ngày, HTX sử dụng khoảng 40 bao (trọng lượng 25 kg/bao) các loại thức ăn thủy sản khác nhau. Từ đầu năm đến nay, các loại thức ăn thủy sản đã 3 – 4 lần điều chỉnh tăng giá, khoảng 35.000 – 40.000 đồng/bao. Điều này có nghĩa mỗi ngày chi phí cho thức ăn tăng khoảng 1,5 triệu – 1,6 triệu đồng. Trong khi đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá các loại cá đều giảm và khó tiêu thụ. Đơn cử như giá cá lăng cùng thời điểm này năm trước là 65.000 đồng/kg, nay giảm còn 52.000 – 55.000 đồng/kg, giá cá diêu hồng giảm từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 – 32.000 đồng/kg. Hiện tại, HTX còn khoảng 100 tấn cá đến thời kỳ thu hoạch nhưng rất khó tiêu thụ, bởi nhiều thương lái ngại qua các chốt kiểm dịch, chuỗi nhà hàng ăn uống cơ bản ngừng hoạt động, nên khó khăn càng chồng chất. Nhiều thành viên của HTX đứng trước nguy cơ thua lỗ”.
Sản phẩm gia cầm chiếm ưu thế trên thị trường.
Ngay cả với người chăn nuôi lợn, mặt hàng đang có giá bán tốt hiện nay cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Văn Dư, chủ trang trại chăn nuôi quy mô 900 con lợn nái, 500 lợn thịt tại xã Ninh Xá (Thuận Thành) và trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 lợn thịt tại xã Văn Môn (Yên Phong) phân tích: “Hiện tại, mỗi ngày trang trại tiêu tốn khoảng 120 đến 150 bao thức ăn chăn nuôi. Với giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 60.000- 70.000 đồng/bao như hiện nay, trang trại phải chi phí thêm từ 8 triệu -10 triệu đồng. Chưa kể chi phí các loại vaccin và một số vật tư khác, trong khí giá lợn hơi giảm (70.000 đồng/kg), giá lợn giống không tăng, 2,5 triệu đồng/con khiến cho trang trại gặp nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Dư, chi phí để sản xuất ra một con giống hiện nay đã là 2,5 triệu đồng, sản xuất ra 1 kg lợn hơi khoảng 65.000 đồng, như vậy không có lãi. Với tình hình này, người chăn nuôi lợn sẽ phải tính toán thận trọng khi tái đàn.
Giá thức ăn tăng cao đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực nuôi trồng của người dân, tác động trực tiếp đến doanh thu, nếu không được tháo gỡ kịp thời, người chăn nuôi sẽ nản, nguồn cung thực phẩm khan hiếm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại thời điểm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.
Tận dụng nguyên liệu tại chỗ
Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thị trường được biết: Giá thức ăn chăn nuôi tăng do ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian qua, nhiều loại nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng giá, đồng USD tăng cao, ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định: “Nguyên nhân chính khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng đột ngột là do nguồn nguyên liệu sản xuất tăng, hiện chúng ta vẫn phải nhập tới 70% nguyên liệu, trong khi nguồn cung trên thế giới đang rất khan hiếm”. Giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, trong khoảng nửa năm trở lại đây, thức ăn chăn nuôi tăng giá từ 3 – 5 lần, có loại tăng 6 – 7 lần so với trước đó. Mức tăng dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg tùy loại. Trung bình, mỗi bao cám 25 kg tăng từ 50.000 – 70.000 đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, khiến người chăn nuôi gặp nhiều áp lực.
Ngành chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro lớn khi giá thế giới biến động. Vì vậy, một mặt cần giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, mặt khác, đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu tại chỗ. Phương án giảm mạnh diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, đậu nành và các loại cây nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi mang tính khả thi, vừa giúp tiết kiệm nước tưới, thích ứng biến đổi khí hậu, vừa tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động, phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, HTX. Đồng thời đẩy mạnh thâm canh, trồng xen vụ các loại cây nguyên liệu cho chăn nuôi, kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. Đây là bài toán khả thi giúp ngành chăn nuôi có chỗ đứng vững vàng trong mọi hoàn cảnh.
Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng
Nhận định về tình hình hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 280.000 con, đàn gia cầm khoảng 5,6 triệu con, sản lượng thủy sản khoảng 10.000 tấn. Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu từ 5 đến 10% tùy loại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người nuôi và sức tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Để bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, đòi hỏi người chăn nuôi cần có sự cân nhắc, tính toán cẩn thận khi tái đàn, giảm thất thoát, rủi do trong quá trình chăn nuôi. Quan trọng nhất là các địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá. Đi đôi với đó, các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần thực hiện công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ tín đối với người nuôi.
Việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi đã và đang tạo ra bước ngoặt lớn trong việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Với những khó khăn, thách thức như hiện nay, ngành Nông nghiệp cần nâng cao một bước trong công tác phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, lựa chọn phát triển những đối tượng con nuôi có tính cạnh tranh, phù hợp với trình độ sản xuất và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bởi khi tham gia phát triển chuỗi liên kết sẽ giúp chia sẻ được rủi ro trong các khâu, dù chi phí đầu vào có tăng nhưng vẫn bảo đảm có lãi hoặc không lỗ. Hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thiết nghĩ, để kiến tạo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay cần sự vào cuộc, sát sao của cơ quan chức năng trong giám sát, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi, cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và quan trọng là nội lực từ chính các chủ trang trại, gia trại trong chiến lược chăn nuôi của riêng mình. Ngành chăn nuôi cần vững vàng vượt qua khó khăn, giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, vì sự phát triển bền vững.
Lan Tuấn
Nguồn: Báo Bắc Ninh