Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò diễn ra phức tạp từ đầu năm 2021, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin cho gia súc đạt cao, ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên đáng kể đã giúp Bắc Kạn khống chế được bệnh VDNC trên địa bàn.
Lũy kế đến thời điểm hiện nay, bệnh VDNC đã xảy ra tại 1.111 hộ, 329 thôn, 73 xã, 8 huyện, thành phố làm 2.787 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó 203 con chết với trọng lượng tiêu hủy 32.085 kg. Đã có 67 xã công bố hết dịch; 06 xã có trâu, bò khỏi bệnh đã qua 21 ngày. Như vậy, đến nay không có xã nào còn dịch bệnh VDNC.
Bò dễ mắc bệnh VDND hơn trâu. Ảnh: Người dân xã Vân Tùng (Ngân Sơn) chăn thả đàn bò.
Ông Đỗ Xuân Việt- Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Để chủ động phòng, chống loại dịch bệnh này, các cấp, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng, chống dập dịch VDNC. Cụ thể như, tổ chức cách ly gia súc chưa có biểu hiện của bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng; chỉ đạo các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không được vận chuyển gia súc ra, vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống dịch VDNC. Tích cực tiêm vắc xin phòng, chống dịch. Đến nay, tỉnh đã cơ bản khống chế thành công dịch bệnh VDNC; chúng tôi đã có văn bản đề nghị 06 xã có trâu, bò mắc dịch đã qua 21 ngày, công bố hết dịch để người chăn nuôi chủ động tái đàn".
Việc tiêm phòng dịch bệnh năm nay có nhiều đổi mới, tiến bộ. Tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới đã có dịch vụ tiêm phòng nên người dân chủ động, không ỷ lại trông chờ Nhà nước. Bà Vũ Thị Bích Yên- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới chia sẻ: "Việc tiêm phòng dịch bệnh được người chăn nuôi ở địa phương quan tâm chú trọng. Ngay từ khi có dịch bệnh, bà con đã chủ động liên lạc với các đối tác liên kết chăn nuôi ở Hà Nội lên kịp thời tiêm ngay. Cùng với 2 đợt tiêm của tỉnh chỉ đạo thực hiện, đến tháng 9/2021, huyện đã công bố hết dịch bệnh VDNC trên trâu, bò".
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch VDNC trên bò, còn đối với trâu sẽ khuyến khích người dân chủ động tiêm qua dịch vụ. Thực tế cho thấy, trong 2.787 con trâu, bò bị mắc bệnh thì chỉ có 20 con trâu, còn lại là bò; không có con trâu nào bị chết. Do vậy, có thể nhận định bò là loại dễ mắc dịch hơn.
Bệnh VDNC đã có vắc xin phòng dịch và không đắt, trong khi đó trâu, bò là tài sản lớn. Do vậy, để phòng chống dịch hiệu quả, người dân cần chủ động hơn trong công tác phòng, chống như vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng và chủ động tiêm vắc xin cho trâu, bò./.
Phan Quý
Nguồn: Báo Bắc Kạn