Dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song nhiều năm nay, ngành chăn nuôi của tỉnh luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, cũng là địa phương có sản lượng sản phẩm chăn nuôi đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước lớn.
Dù liên tiếp phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi ở mức cao, giá bán vật nuôi một số thời điểm ở mức thấp (nhất là lợn) đã ảnh hưởng đến việc tái đàn trong nhân dân. Song với việc đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, cùng với các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh nên tổng đàn vật nuôi tỉnh Bắc Giang vẫn phát triển, nhất là đàn gà. Ước hết năm 2023 đàn trâu đạt 31,5 nghìn con, bằng 82,9%; đàn bò 116 nghìn con, bằng 87,2%; đàn lợn đạt 930 nghìn, bằng 62,0%; đàn gia cầm 20 triệu con, bằng 80,0% (trong đó đàn gà 17 triệu con, bằng 80,95% so với chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025.
Chăn nuôi dê ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh BG
Tỷ trọng đàn bò lai, đàn lợn nạc tăng, số vòng quay với lợn từ 2 lứa/năm lên 2,5 lứa/năm, gia cầm từ 2 lứa lên 3 – 4 lứa/năm với gà thả vườn. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 250 nghìn tấn. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra các tỉnh lân cận.
Bên cạnh bốn đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò; trên địa bàn tỉnh còn phát triển đa dạng các đối tượng vật nuôi theo lợi thế từng địa phương như: Nuôi ong mật, nuôi ngựa bạch tại Lục Ngạn; nuôi dê tại Yên Thế, Lục Nam
Chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhờ vậy nên nhiều năm nay, tổng đàn vật nuôi của tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố cả nước, được xác định là động lực tăng trưởng chính của ngành trong những năm tiếp theo./.
Ngọc Thọ
Nguồn: Sở NN&PTNT Bắc Giang