Thời điểm này, người chăn nuôi trong tỉnh đang vào đàn với số lượng lớn chuẩn bị cung cấp cho thị trường dịp Tết. Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), cả nước có 16 tỉnh, TP xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, trong đó có địa phương tiếp giáp với Bắc Giang. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn rất cao, đòi hỏi phải chú trọng công tác phòng, chống dịch.
Chủ động biện pháp phòng ngừa
Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa khiến sức đề kháng vật nuôi giảm, dễ nhiễm bệnh. Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi tái đàn, có thể mang mầm bệnh từ nơi khác về địa bàn. Cùng đó, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến cũng là một trong những mối lo phát sinh dịch bệnh.
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh gần 900 nghìn con, đàn gia cầm hơn 19,5 triệu con và đàn trâu bò hơn 100 nghìn con. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm song ngành chức năng và các địa phương nhận thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn nên đã chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, sẵn sàng cho kịch bản nếu dịch xâm nhập, lây lan. Dịch tả lợn châu Phi là bệnh cực kỳ nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại rất nặng nề.
Công nhân tiêm phòng cho lợn tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyệt.
Tại huyện Việt Yên hiện có 1 vùng chăn nuôi lợn với quy mô 70 nghìn con tại các xã: Thượng Lan, Minh Đức, Nghĩa Trung, Tự Lạn, Việt Tiến, Hương Mai. Trước nguy cơ dịch bệnh, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện tuyên truyền về các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Vận động các hộ chủ động mua vôi bột, hóa chất để sát trùng chuồng trại; hướng dẫn các hộ dân thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Toàn huyện phấn đấu bảo đảm tiến độ, chất lượng tiêm phòng đợt 2 năm 2023 (từ tháng 8 đến tháng 11). Các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn tại địa bàn được ngành chức năng tăng cường kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Nguyệt làm chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1,2 nghìn lợn nái và 6 nghìn lợn thịt tại xã Thượng Lan (Việt Yên). Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã bảo vệ nghiêm ngặt chuồng trại với quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; tổng vệ sinh khu vực chuồng nuôi, cổng trại luôn đóng cửa, công nhân tuân thủ quy định “ai ở đâu, ở nguyên đó”, hạn chế mức thấp nhất ra ngoài. Người vào trang trại phải qua phòng sát trùng, khử khuẩn, thay trang phục bảo hộ, cách ly đủ 48 tiếng. Trang trại tăng cường bổ sung thuốc, hóa chất xử lý môi trường lên gấp đôi so với thời điểm bình thường.
Ông Trịnh Xuân Toản ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế) đang nuôi hơn 100 lợn thịt. Thời gian này, ông chú trọng tiêu độc, khử trùng qua hai vòng bằng vôi bột, hóa chất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, nước uống đầy đủ cho lợn; phun thuốc diệt muỗi, quây kín chuồng nuôi bằng lưới để ngăn ruồi, muỗi, chuột hay các côn trùng khác xâm nhập mang mầm bệnh vào bên trong.
Cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh
Theo cơ quan chức năng, diễn biến dịch bệnh động vật trên địa bàn cả nước đang hết sức phức tạp với các bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm và lở mồm long móng. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 38 tỉnh, TP phát hiện dịch tả lợn châu Phi làm hơn 11 nghìn con bị chết, tiêu hủy. Có 9 tỉnh, TP xảy ra dịch cúm gia cầm khiến hơn 30 nghìn con bị chết, tiêu hủy và 10 tỉnh, TP có dịch bệnh lở mồm long móng…
Phun khử khuẩn tại khu trang trại nuôi lợn ở xã Tiến Dũng (Yên Dũng).
Đáng ngại hơn, một số tỉnh, TP tiếp giáp với Bắc Giang như: Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên đang có dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày. Việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, giao thương trao đổi hàng hóa giữa Bắc Giang với các địa phương lân cận duy trì thường xuyên nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao.
|
Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch. Một trong những yêu cầu đặt ra với người chăn nuôi là phải chủ động tạo “lá chắn” phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn như: Tiêm phòng vắc-xin, tiêu độc, khử trùng, bảo đảm vệ sinh chuồng trại…
Chỉ trong tháng 9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp gần 900 lít hóa chất phục vụ công tác vệ sinh môi trường, 2,7 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng, hơn 200 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm và hơn 12 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho một số địa phương. Lực lượng chức năng lấy hàng trăm mẫu giám sát với bệnh dịch tả lợn châu Phi, các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp đã kịp thời tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP thực hiện biện pháp chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện và cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi không nên tăng đàn, tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn; cần báo cáo kịp thời khi phát hiện vật nuôi ốm, chết không rõ nguyên nhân; không tự điều trị và bán “chạy” động vật nhiễm bệnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang