Để đưa ra thị trường những sản phẩm rõ nguồn gốc, cùng với hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang chú trọng kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên, sức khỏe người tiêu dùng bảo đảm.
Phát hiện, ngăn chặn vi phạm
Mới đây, nhận được thông tin tại cơ sở kinh doanh Thanh Thanh, tổ dân phố Dinh Hương, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) do bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1989) làm chủ kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra. Qua đó phát hiện cơ sở đang kinh doanh 200 kg chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Làm việc với tổ công tác, bà Nguyễn Thị Thanh trình bày cơ sở hoạt động từ năm 2020 đến nay, chuyên kinh doanh các loại thực phẩm đông lạnh (sản phẩm từ gà, lợn) để phục vụ các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Các loại hàng hóa được bà Thanh thu mua trôi nổi trên thị trường, không có các giấy tờ hợp pháp liên quan.
“Quá trình làm việc, tổ công tác phát hiện cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan chức năng cấp theo quy định của pháp luật. Hiện chúng tôi đã yêu cầu chủ cơ sở đóng cửa, tiêu hủy toàn bộ tang vật, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý”, ông Hoàng Minh Tân, Phó trưởng Phòng Hành chính và Thanh tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết.
Trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm theo quy trình an toàn sinh học của Công ty TNHH Hải Thịnh tại xã Thường Thắng (Hiệp Hoà). Ảnh: THẾ ĐẠI.
Với 151 vùng cấy lúa, 77 vùng rau, 79 vùng cây ăn quả, 99 vùng chăn nuôi và 34 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang những năm qua có sự bứt phá mạnh mẽ. Để thực phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) tăng cường phối hợp giám sát chất lượng vệ sinh ATTP, tập trung vào các sản phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân.
3 tháng gần đây, toàn tỉnh thành lập 239 đoàn/tổ kiểm tra về ATTP tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gần 2,5 nghìn cơ sở thực phẩm, qua đó phát hiện 298 cơ sở còn tồn tại về ATTP, xử phạt 25 cơ sở, với số tiền hơn 110 triệu đồng (xử phạt tăng 9 cơ sở và tăng gần 74 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021). |
3 tháng gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh đã thành lập 239 đoàn/tổ kiểm tra về ATTP tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gần 2,5 nghìn cơ sở thực phẩm, qua đó phát hiện 298 cơ sở còn tồn tại về ATTP, xử phạt 25 cơ sở với số tiền hơn 110 triệu đồng (xử phạt tăng 9 cơ sở và tăng gần 74 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021).
Riêng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản thực hiện lấy 62 mẫu quả vải, rau, thịt phân tích chất lượng (chỉ tiêu vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật). Kết quả các mẫu đạt yêu cầu, trong đó có 3 mẫu phát hiện hàm lượng hóa học nhưng trong ngưỡng cho phép.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản cho biết: “Cùng với xử lý nghiêm các vi phạm, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ”.
Tuân thủ quy trình sản xuất an toàn
Mặc dù không phải là địa bàn trọng điểm về các vi phạm liên quan đến ATTP song công tác quản lý vệ sinh ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đối tượng vì lợi nhuận nên sẵn sàng tìm cách đưa thực phẩm bẩn ra thị trường. Tỷ lệ sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc chưa cao; số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiều nhưng phần lớn nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư gây không ít khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP.
Các hộ sản xuất nói chung vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiến thức trong bảo đảm vệ sinh ATTP.
Anh Phạm Văn Quang, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Hiệp Hòa) chia sẻ: “Dù luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi song nguy cơ lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào khu chuồng trại của doanh nghiệp luôn hiện hữu do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn chưa thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học”.
Nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh tăng cường kiểm tra, cấp giấy phép đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở bắt buộc, từ năm 2011 đến nay, các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai ký cam kết đối với 160 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời chú trọng mở rộng, triển khai các mô hình sản xuất an toàn thông qua việc tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở triển khai mô hình nuôi thủy sản áp dụng tự động hóa theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 19 ha tại các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam. 3 mô hình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm: Mô hình lợn quy mô 360 con tại xã Vô Tranh (Lục Nam); mô hình gà quy mô 1 ha tại huyện Yên Thế và mô hình rau quy mô 1 ha tại huyện Việt Yên.
Triển khai 12 mô hình, đề án như sản xuất vải thiều, bưởi, cá, lúa, gà mía lai, chọi lai, bò thịt, ong… theo hướng hữu cơ với diện tích 74 ha… Nhờ đó đến nay toàn tỉnh có hơn 15,5 nghìn ha sản xuất thâm canh rau, quả, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; tổng đàn chăn nuôi (lợn, gia cầm) theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 126,5 nghìn con, trong đó đàn lợn đạt gần 119,4 nghìn con…
“Cùng với phối hợp, hướng dẫn mở rộng các mô hình sản xuất an toàn, tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, đơn vị rất cần sự vào cuộc của lực lượng công an trong việc điều tra, khởi tố các đối tượng để tăng tính răn đe. Đồng thời, người dân cũng cần nêu cao trách nhiệm, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc và chủ động tố giác các trường hợp vi phạm”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm.
Sỹ Quyết
Nguồn: Báo Bắc Giang