Thịt bò đông lạnh hiện được bán phổ biến trên thị trường. Chỉ cần bỏ ra vài chục đến hơn 100 nghìn đồng là có thể mua được 1 kg. Tuy nhiên, chất lượng loại thịt này ra sao, có được kiểm soát chặt chẽ ở khâu nhập khẩu không là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Loạn giá thịt bò nhập khẩu
Thời gian gần đây, thịt bò đông lạnh xuất hiện tràn lan trên thị trường với giá còn rẻ hơn cả thịt lợn và chỉ bằng khoảng 1/3, thậm chí ¼ giá thịt bò tươi tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Tìm đến kho bán các loại thực phẩm đông lạnh trong một ngõ nhỏ gần chợ tạm Ngô Quyền (TP Bắc Giang), chúng tôi được người bán cho biết, trong kho có đủ loại thịt bò, là hàng Ấn Độ nhập về, muốn lấy loại nào cũng có; lấy cả thùng 20 kg thì giá bắp bò 105 nghìn đồng/kg, thịt thăn bò 90 nghìn đồng/kg, thịt nạm sườn 70 nghìn đồng/kg; còn mua lẻ mỗi kg thêm 5 nghìn đồng.
Hỏi chất lượng, người bán quả quyết: “Yên tâm, nhà tôi bán bao lâu nay, chủ yếu bán cho người mua nấu cỗ, mua về bán hàng ăn, bán lẻ cho khách mua ăn cũng nhiều nhưng chưa thấy ai chê”. Giới thiệu là thịt bò nhập khẩu Ấn Độ nhưng khi khách hỏi mua 1 kg, người bán hàng cầm ra một miếng thịt bắp đông cứng không hề có bao gói, nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của sản phẩm, đặt lên cân tính tiền.
Một trang Facebook rao bán thịt bò giá rẻ.
Dạo một lượt trên mạng xã hội thấy một loạt trang đăng bán thịt bò đủ loại; có trang ghi rõ thịt bò nhập khẩu, có trang chỉ ghi thịt bò tươi. Đáng chú ý, ngoài một số trang ghi thịt bò Úc, Mỹ nhập khẩu giá 300 – 500 nghìn đồng/kg, phần lớn các trang còn lại đều rao bán thịt bò nhập khẩu giá rất rẻ nhưng không thấy thông tin nguồn gốc, xuất xứ.
Liên hệ chủ Facebook có tên Huyên Nguyên rao bán thịt bò, khi chúng tôi hỏi giá, người này nói 1 kg bắp giá 125 nghìn đồng, muốn ăn nhắn địa chỉ mang đến tận nhà. Tại nhiều điểm kinh doanh nhỏ lẻ có tủ đông lạnh của hộ gia đình, cá nhân tại các khu dân cư, thịt bò đông lạnh giá rẻ, đã qua sơ chế cũng được bày bán cùng với nhiều loại hàng hóa khác với giá rất rẻ.
Khó kiểm soát về chất lượng
Theo quy định, các loại thịt nhập khẩu, lưu thông trên thị trường đều phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, giấy chứng nhận chất lượng có thời hạn, giấy chứng nhận hải quan… và được cơ quan thú y địa phương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) quản lý chặt chẽ. Các sản phẩm thịt bò khi xuất bán phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm. Thế nhưng trên thực tế việc giám sát chất lượng thịt bò nhập khẩu trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Theo phân cấp, các sản phẩm động vật nhập khẩu thuộc quản lý của Cục Thú y. Đơn vị chỉ được phép kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật tiêu dùng nội địa (mang từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh) và chỉ kiểm dịch, kiểm tra các sản phẩm động vật nhập khẩu khi được ủy quyền hoặc phối hợp liên ngành kiểm tra theo kế hoạch hoặc nghi ngờ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm”.
|
Theo ông Dư, những cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh quy mô nhỏ, lẻ thuộc quản lý của phòng kinh tế các huyện, TP và UBND các xã, phường, thị trấn. Riêng với những sản phẩm động vật (trong đó có thịt bò) rao bán trên sàn thương mại điện tử thì chưa thể quản lý được.
Tìm hiểu tại một số địa phương nhận thấy, việc quản lý, giám sát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, trong đó có thịt bò tại các kho hàng đông lạnh, điểm kinh doanh nhỏ, lẻ ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng chưa được quan tâm. Ông Đỗ Văn Luận, Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh (Việt Yên) thông tin: “Toàn thị trấn có gần 3.000 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trong số này có nhiều hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhưng đơn vị chưa tổ chức kiểm tra, giám sát được hộ nào vì không có người làm”.
Trao đổi nội dung này, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cũng thông tin: “Đơn vị chủ yếu tập trung giám sát chất lượng nông, lâm sản và thủy sản ở các chợ đầu mối hoặc ở những điểm sản xuất, kinh doanh có ý kiến phản ánh mới lấy mẫu giám sát, kiểm tra; đối với các sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản nhập khẩu thuộc trách nhiệm thanh tra sự vụ của lực lượng liên ngành”. Tại TP Bắc Giang hiện có 3 kho chuyên bán buôn, bán lẻ thực phẩm đông lạnh và nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhỏ lẻ.
Theo bà Hà Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP, cơ quan chuyên môn TP đã kiểm tra các kho hàng đông lạnh lớn một số lần; tuy chưa phát hiện thịt bò nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đông lạnh tại các kho hàng này gặp nhiều khó khăn. Họ có số lượng lớn khách hàng trong và ngoài TP, nhập hàng về thường xuyên nhưng không phải lô hàng nào lực lượng chức năng cũng kiểm tra được; máy móc, trang thiết bị phục vụ việc kiểm tra cũng không đáp ứng nhu cầu.
Thông tin từ Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp kiểm tra, phát hiện bắt giữ nhiều vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (riêng 8 tháng năm 2023 là 19 vụ, trong đó có 2 vụ phát hiện khoảng 50 kg thịt bò đông lạnh không có nguồn gốc, xuất xứ). Có thể thấy, số vụ kiểm tra so với lượng mặt hàng này được nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chưa tính hàng nhập qua đường tiểu ngạch là con số rất khiêm tốn.
Nhận định của một số chuyên gia kinh tế và cán bộ chuyên môn, các loại thịt bò nhập khẩu được bán tràn lan với giá siêu rẻ trên thị trường hiện nay có thể là hàng nhập lậu trốn thuế hoặc là sản phẩm thịt bò chứa nhiều cholesterol, người dân nước xuất khẩu không dùng. Cũng có thể là hàng gần hết hạn sử dụng được một số doanh nghiệp nhập về làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, nhưng thực chất là một cách “lách luật” để đưa các sản phẩm này vào thị trường Việt Nam tiêu thụ kiếm lời.
Việc sử dụng sản phẩm thịt bò đông lạnh giá rẻ, kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng mà còn ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Vì thế, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, khi quyết định chọn mua thịt bò đông lạnh nhập khẩu, người tiêu dùng nên cẩn trọng lựa chọn loại sản phẩm ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh uy tín, có tem nhãn giới thiệu sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không ham rẻ mà mua hàng trôi nổi, không đáng tin cậy, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Về phía cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh thực phẩm.
Tuấn Dương
Nguồn: Báo Bắc Giang