Kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi là vấn đề then chốt để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm nguồn cung sản phẩm động vật chăn nuôi cho thị trường.
Chủ động phòng dịch
Ông Nguyễn Văn Hiếu (ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi hơn 1.500 con gà ta thả vườn cho biết, thời điểm này, gà rất dễ phát bệnh do đây là giai đoạn thúc cho gà lớn, gà sẽ ăn nhiều và ít vận động hơn. Cùng với đó, thời tiết chuyển mùa cũng làm cho sức đề kháng của gà giảm. Do đó, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, ông còn tăng cường mở đèn để giữ ấm, sát trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Theo ông Hiếu, gà rất dễ mắc bệnh cúm GC, là bệnh nguy hiểm, bởi thời gian ủ bệnh ngắn và tỷ lệ mắc bệnh bị chết có thể lên đến 100% chỉ trong vòng vài ngày. Biện pháp phòng, chống bệnh cúm GC là tuân thủ việc tiêm đầy đủ vắc xin đúng liều lượng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần bổ sung thức ăn giúp gà tăng sức đề kháng, uống vitamin để giảm thiểu rủi ro.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Người chăn nuôi tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức) phun khử chuồng trại.
Còn bà Nguyễn Thị Phương (ở ấp Láng Găng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, để không xảy ra dịch bệnh cho đàn heo đang chuẩn bị đến kỳ xuất bán, bà đã tăng cường các biện pháp phòng tránh. Trong đó, bà không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho heo. Đồng thời, bà thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi bằng như vôi bột, formol. “Đợt dịch tả heo châu Phi vào năm 2019 khiến tôi mất trắng đàn heo 20 con. Do đó, khi tái đàn trở lại, tôi rất thận trọng trong việc chăm sóc heo, chủ động các biện pháp phòng dịch để không xảy ra dịch bệnh đáng tiếc nữa”, bà Phương nói.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khá lớn, khoảng 7,7 triệu con, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ trọng cao. 7 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, nhưng trước diễn biến bất lợi của thời tiết, nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao.
Theo ghi nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, các ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh được phát hiện tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng, quán ăn chưa xử lý trước khi cho heo ăn và hầu hết không bảo đảm điều kiện điều kiện vệ sinh thú y, không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Phương (ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) khử trùng khu vực chăn nuôi heo.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để chủ động thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người chăn nuôi, Chi cục đã đề nghị các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch; thông tin tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh, nguy cơ tái phát, kịp thời khai báo khi có gia súc, gia cầm mắc, nghi mắc bệnh, chết và thực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững. Đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh xuất hiện, tuyệt đối không để lan ra diện rộng.
Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT về việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi heo khi phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay. Mức hỗ trợ là 38.000 đồng/kg đối với heo và 45.000 đồng/kg đối với trâu, bò. Việc kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm nhằm giúp người chăn nuôi có thêm nguồn lực khôi phục sản xuất và có thêm nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh, thành.
Bài, ảnh: Hồng Phúc
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu