Hơn 1 tháng trở lại đây, giá heo tăng trở lại, người chăn nuôi đã có lãi. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi heo chuẩn bị đầu tư, tái đàn phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.
Giá heo tăng, người chăn nuôi đã có lãi
Ghi nhận thị trường trong 1 tháng trở lại đây, giá heo hơi 3 miền tăng khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến ngày 16/7, giá heo hơi 62.000 đồng/kg, cao hơn 11.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng.
Giá heo hơi tăng, người nuôi bắt đầu có lãi. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tỏa chăm sóc heo của gia đình.
Bà Vũ Thị Kim Nga (ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi 200 con heo thịt và 30 con heo nái. Bình quân mỗi tháng, bà Nga xuất bán từ 30-50 con heo thịt với giá khoảng 60.000 đồng/kg heo hơi, sau khi trừ chi phí, bà Nga thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng.
“Ngoài heo thịt được xuất bán, 30 con heo nái cũng đủ nguồn giống để gây dựng đàn mới. Tôi mong giá heo hơi tiếp tục duy trì ở mức cao để người nuôi gỡ lại vốn sau thời gian dài giá heo xuống thấp và có thêm vốn dồn cho lứa heo cuối năm”, bà Nga nói.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi khoảng 70-80 con heo thịt và heo giống. Theo ông Tỏa, sau thời gian dài giảm sâu, nay giá heo tăng, giá thức ăn chăn nuôi cũng giảm từ 100 – 400 đồng/kg, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. “Hy vọng giá này sẽ tiếp tục ổn định để người nuôi yên tâm trong những tháng cuối năm, nhất là thời điểm gần Tết”, ông Tỏa nói.
Một người chăn nuôi heo ở huyện Châu Đức khử khuẩn chuồng trại chống dịch cho heo.
Kỳ vọng thị trường phục hồi
Từ quý II năm 2023, giá heo hơi tăng và dự báo thị trường sẽ ngày càng khởi sắc khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục. Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh dự báo, với nguồn cung như hiện nay, 6 tháng cuối năm sẽ bảo đảm cung ứng cho nhu cầu của thị trường, giá cả cũng tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn xác định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, chi phí sản xuất biến động khó lường. Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, trong đó, khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Do đó, để tăng sức cạnh tranh, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại các vùng đáp ứng điều kiện chăn nuôi và không gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch lở mồm long móng gia súc, heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác.
Bài, ảnh: Song Bình
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu