(Người Chăn Nuôi) – Là một trong 4 sinh viên được phân vào chuyên khoa sữa thập niên 70 tại Nga, không chỉ bà Mai Kiều Liên mà vào trường hợp đó có lẽ ai cũng nản bởi lúc ấy ngành sữa thế giới chưa mấy ai biết tới Việt Nam. Sau 1 năm học tiếng, dù được quyền thay đổi chuyên ngành, nhưng chính người cha thân yêu đã cho bà lời khuyên chí lý để bây giờ, Việt Nam có một “nữ tướng” ngành sữa nổi danh và được cả châu Á kính trọng.
Biến không thành có
Doanh nhân Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Pháp và lớn lên ở đây. Dưới thời Liên Xô cũ, bà sang Moscow học ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, bà trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc.
Trụ sở chính Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Trở về quê hương, bà làm việc cho Công ty Sữa và Cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Năm 2015, bà rời cương vị Chủ tịch, tập trung cho công tác điều hành với vai trò Tổng Giám đốc.
Công ty Sữa và Cà phê Việt Nam, tiền thân của Vinamilk ra đời trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất. Sau chiến tranh, ngành sữa Việt hoàn toàn không có gì, kể cả đàn bò. Máy móc, thiết bị cũ, mọi nguyên liệu đều phải ngoại nhập. Có 2 nhà máy công suất thiết kế 196 triệu tấn/năm, nhưng thực tế, Vinamilk chỉ sản xuất 8 triệu tấn. Một nhà máy phải đóng cửa vì không có nguyên liệu.
Lúc bấy giờ, động lực lớn nhất khiến tất cả nhân viên Công ty dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Điều đó đã luôn thôi thúc các thế hệ cán bộ, công nhân viên Vinamilk tiếp tục lao động, sáng tạo trong suốt 40 năm qua.
“Là người lãnh đạo, tôi cho rằng cần phải tìm ra mắt xích để giải quyết mọi khó khăn. Cứ khó là tôi lại phải nghĩ. Ngay như việc tận dụng đầu vào và đầu ra trong sản xuất sữa đặc độ khô không đảm bảo để làm ra sữa chua đem bán và lập quỹ công đoàn cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Tôi luôn trăn trở làm sao để có sản phẩm, công nhân có việc làm, thu nhập phải tăng lên”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.
Mỗi giai đoạn có những đặc thù phát triển khác nhau. Khi ổn định thị phần trong nước, Công ty tính chuyện xuất khẩu. Kế hoạch này đã hiện thực hóa vào năm 1997, khi đích thân bà Mai Kiều Liên đi vào vùng chiến sự tại Iraq để có thể ký kết hợp đồng với đối tác. Đây là một quyết định khó khăn và đầy nguy hiểm tính mạng. Nhưng kể từ đó, sản phẩm của Vinamilk đã được người dân Iraq sử dụng và chấp nhận, đó là cái được lớn nhất của lô hàng xuất khẩu đầu tiên. Chính thành tựu bước đầu này đã là nền tảng duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai con số của Vinamilk hiện nay, với giá trị khoảng 300 triệu USD mỗi năm.
Doanh nhân tầm vóc châu lục
40 năm công tác và lãnh đạo, doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và giữ vị thế cao trên thị trường quốc tế. Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa nước nhà. Chính vì thế Tạp chí Forbes đã nhận định: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương tác, Forbes Việt Nam và bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa trao Giải thưởng “Thành tựu trọn đời” cho bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Trong chiến lược sản xuất, để chiếm lĩnh thị trường, bà Mai Kiều Liên luôn hướng đến mục tiêu Vinamilk phải tìm ra những sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Và thực tế đã chứng minh, năm 1993, khi lần đầu tiên Vinamilk tung ra thị trường sản phẩm sữa chua và kem đã ngay lập tức tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, đến mức có người đã ví von rằng: “Việt Nam đã qua thời bao cấp nhưng có hai thứ vẫn phải “xếp hàng”, đó là đứng chờ công chứng giấy tờ và đi mua kem – sữa chua của Vinamilk”; Hoặc như việc năm 1987 Vinamilk đầu tư xây dựng Nhà máy Dielac, nhà máy sữa bột đầu tiên tại Việt Nam, cũng đã nhanh chóng thành công. Thời gian đầu, người tiêu dùng chưa tin lắm vào sản phẩm Dielac vì đã quen sử dụng sữa bột ngoại, nhưng đến nay, sữa bột trẻ em của Vinamilk đã chiếm khoảng 30% thị phần trong nước và mục tiêu tiếp theo là 50% thị phần. Hiện doanh số xuất khẩu từ sữa bột trẻ em Dielac của Vinamilk luôn đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Trong suốt thời gian lãnh đạo, bà Mai Kiều Liên đã đưa Vinamilk trở thành một trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp nhà nước thời kỳ đổi mới. Vinamilk – Công ty sữa số 1 Việt Nam xét theo doanh thu và lợi nhuận, được niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu luôn nằm trong nhóm “ngôi sao” của sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa hiện ở mức hơn 10 tỷ USD. 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Vinamilk giữ ngôi vị quán quân thị trường chứng khoán về lợi nhuận.
Nỗ lực và phần thưởng xứng đáng Vì những nỗ lực không mệt mỏi, bà Mai Kiều Liên đã giành được những danh hiệu cao quý: – Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001). – Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (năm 2005). – Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006). – Ba lần được Tạp chí Fobes Asia bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á. – Hai lần được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á bình chọn là một trong 51 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á, CEO xuất sắc châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. |
Lần lượt giữ các vị trí then chốt trong Công ty, đặc biệt hai chức vụ quan trọng nhất là Chủ tịch và Tổng Giám đốc Vinamilk, từ năm 2012 – 2015, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng Giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Bên cạnh đó, bà cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn vào năm 2017. Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng hơn gấp đôi.
Các sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có 2 siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và 3 nhà máy chế biến ở Mỹ, New Zealand và Campuchia.
Không chỉ là nhà quản trị doanh nghiệp tài ba, bà Mai Kiều Liên còn lãnh đạo Công ty luôn hướng tới những hoàn cảnh kém may mắn, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hướng tới cộng đồng bằng những việc làm hết sức thiết thực, đặc biệt, quan tâm đến trẻ em và người già là những đối tượng mà Vinamilk luôn ưu tiên hàng đầu. Khám, chăm sóc sức khỏe, tổ chức lễ mừng thọ cho 1.000 người cao tuổi tại TP. Hồ Chí Minh; Trao sữa cho các trẻ em tại Vĩnh Long; Hỗ trợ mổ tim 7 ca; Triển khai chương trình Sữa học đường với nhiều hỗ trợ; Trao 66.000 ly sữa cho trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc nhân dịp Tết Trung thu… là những việc mà Vinamilk đã làm không chỉ 2018, trước đó và cả những năm tiếp theo. Tài năng, đam mê cộng với cái tâm khiến bà Mai Kiều Liên luôn đưa ra những quyết định sáng suốt, hiệu quả, được xã hội coi trọng và ghi nhớ. Xin chúc “nữ tướng” ngành sữa Việt Nam luôn mạnh khỏe, tiếp tục chèo lái con thuyền Vinamilk phát triển vượt bậc, đưa thương hiệu sữa Việt Nam sánh tầm khu vực, góp phần không nhỏ cho sự phát triển trí lực, thể lực của toàn thể cộng đồng người Việt Nam và trên toàn thế giới.
|
Nga Vũ Nguyệt