Từ ngày 1/7, nhiều công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi ra thông báo tiếp tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 240-400 đồng/kg. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh tăng 6 lần, khiến áp lực ngày càng đè nặng lên vai người chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục
Trong thông báo gửi tới khách hàng, Công ty TNHH CJ Agri Vina, Công ty Kyodo Sojitz (Long An) các đơn vị chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi cho biết, tăng 300 – 400 đồng/kg thức ăn chăn nuôi các loại từ 1/7. Như vậy, đây đã là lần tăng giá thứ 16 kể từ tháng 11/2020 đến nay và đẩy giá cám lên mức cao kỷ lục. Với mức tăng trên, hiện giá cám dành cho heo con tập ăn khoảng 40.000 đồng/kg, cám cho heo nhỡ 20.000 đồng/kg, cám heo lớn 15.500 đồng/kg. Mức giá trên đã tăng 2.500 đồng/kg so với đầu năm 2022 và tăng 7.000 đồng/kg so với tháng 10/2020. Giá cám tăng là đòn nặng nề “đánh” vào người chăn nuôi, bởi thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 – 70% giá thành trong sản xuất. Trong khi đó, giá heo hơi đang ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg thì hầu hết người nuôi đang không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh tăng 6 lần. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi vịt đẻ trứng tại xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ).
Theo lý giải của các nhà cung cấp, do giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động trong thời gian qua. Trong đó, việc khủng hoảng tại Đông Âu đã tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng mạnh. Nga và Ukraina hiện là 2 quốc gia đứng top 3 của thế giới về xuất khẩu lúa mì, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại mặt hàng này. Bên cạnh đó, Ukraina lại là nước xuất khẩu bắp lớn thứ 2, chiếm 22% kim ngạch toàn thế giới. Ngoài ra, việc giá vận chuyện tăng, logistics vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến giá thành tăng cao.
Người chăn nuôi lo lắng
Bà Trần Thị Nga, người chăn nuôi heo tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện nay mỗi bao cám tăng hơn 40.000 đồng, trong khi đó, giá heo thời gian qua đang “chững” lại khiến người nuôi liên tục chìm trong thua lỗ. Nếu tính ra mỗi con heo hơi từ khi nuôi đến khi xuất chuồng để đạt cân nặng 100kg phải sử dụng khoảng 10 bao cám. Như vậy mỗi con heo hơi đã đội thêm hơn 400.000 đồng tiền cám, cộng thêm các chi phí khác cũng đội lên khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Với giá bán trung bình khoảng 55.000 đồng/kg heo hơi xuất chuồng, người chăn nuôi chỉ có thể hòa vốn nếu chủ động được con giống, còn không thì sẽ lỗ 500.000 – 600.000 đồng/con.
“Với những hộ nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi, việc duy trì đàn còn khó khăn chứ chưa nói đến tăng đàn. Để giảm chi phí sản xuất, chúng tôi xoay sở áp dụng các biện pháp như cho ăn độn thêm các loại rau, củ, thức ăn thừa hay nấu rượu lấy hèm cho heo ăn. Tuy nhiên, những cách làm này tiềm ẩn rủi ro xảy ra dịch bệnh, nên tôi khá lo ngại ”, bà Nga nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hải (ấp An Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ), không riêng gì chăn nuôi heo, người nuôi gia cầm cũng đang “méo mặt” vì giá cám không ngừng tăng “phi mã”. Với 4.000 con vịt nuôi đẻ trứng, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến chi phí đầu tư tăng từ 25 – 30%, nay giá cám tiếp tục tăng khiến ông không khỏi lo lắng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người chăn nuôi trong tỉnh như: tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh cho động vật; hỗ trợ thuốc sát trùng tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi trong tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật và các giải pháp giảm chi phí trong chăn nuôi.
Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT), khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các các giải pháp giảm chi phí đầu vào, nhất là chi phí dành cho thức ăn chăn nuôi. Cụ thể như sử dụng các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương tổ chức phối trộn thức ăn. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, tăng năng suất và rút ngắn thời gian chăn nuôi. Đồng thời, người chăn nuôi trong tỉnh cần liên kết tổ chức sản xuất giảm chi phí các khâu trung gian và có thể tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hồng Phúc – Đức Minh
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu