(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 2/2020.
Thưa quý vị bạn đọc!
Ngành chăn nuôi Việt Nam đã trải qua một năm 2019 đầy khó khăn do sự “càn quét” của dịch tả heo châu Phi (ASF). Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, ngành hàng này cũng có những kết quả khả quan trong xuất khẩu khi đưa về gần 700 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2018, tạo đà cho mục tiêu đưa chăn nuôi vào nhóm sản phẩm tỷ đô trong năm 2020.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030. Thực tế, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp mới chỉ là 32%, chưa đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 – 2019 đề ra đến năm 2020 là 42%.
Một thuận lợi của ngành chăn nuôi hiện nay là vấn đề an toàn sinh học đang rất được coi trọng. ASF hiện vẫn chưa được thanh toán triệt để, nhưng ở nước ta đã thiết lập được nhiều vùng, nhiều trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có 32 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh; 138 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.662 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại. Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi hướng đến mục tiêu dài hơi hơn, đó là dần loại bỏ kháng sinh.
Vừa qua, tại Hội thảo thống nhất một số nội dung của Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, đã có lộ trình dần bỏ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và sẽ kết thúc vào năm 2025.
Những năm gần đây, Việt Nam đã cấm việc sử dụng kháng sinh trong kích thích tăng trưởng nuôi rất thành công. Song, việc tiến thêm một bước quan trọng là cấm sử dụng kháng sinh trong tất cả các hoạt động chăn nuôi dự báo sẽ khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, kháng sinh thường được dùng để trị bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, phần lớn nông dân sử dụng kháng sinh là để phòng bệnh, do đó, có thể xảy ra tình trạng sử dụng một số lượng nhiều và thường xuyên, dẫn tới lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Có thể nói, đây là “thói quen” của người chăn nuôi Việt Nam.
Mặc dù vậy, việc tích cực loại bỏ kháng sinh vẫn nhận được sự ủng hộ cao của rất nhiều người chăn nuôi và người tiêu dùng. Bởi điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Đây là nội dung chuyên đề trên Đặc san Người Chăn nuôi phát hành tháng 2/2020. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người nông dân được đưa ra nhằm góp thêm những góc nhìn đa chiều để đánh giá và nhận định. Cũng trong số này, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin về ngành chăn nuôi trên thế giới và một số điển hình tại các quốc gia có nền chăn nuôi tiên tiến. Mong bạn đọc đón nhận và góp ý.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Bảo Ngọc: 098 999 1977 / Thu Trang: 0974 916 886
Vũ Na: 0978 233 492 / Ngọc Ánh: 0963 555 554/ Nguyệt Nga: 098 453 99 88
Email: phqcnguoichannuoi@gmail.com
Hoặc quý độc giả có thể điền thông tin vào form thông tin kế bên, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất với bạn.
Trân trọng!