Những ngày này, nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao An Lão đang tích cực chăm sóc heo đen bản địa để kịp cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán 2024.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi heo đen, ông Đinh Văn Rơm, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, cho biết: Gần một tháng nữa mới đến tết, nhưng người dân và thương lái đã đến nhà đặt mua heo. Để kịp xuất bán, vợ chồng tôi đang tích cực chăm sóc đàn heo hơn 20 con. Chăm sóc heo đen bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có như rau lang, chuối cây, mì, bắp, cám gạo. Heo đen giống bản địa ít bị dịch bệnh, nuôi 7 – 9 tháng có thể xuất chuồng; thông thường heo đạt trọng lượng khoảng 30 kg là thịt ngon nhất.
Ông Đinh Văn Rơm chăm sóc đàn heo đen của gia đình để cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán 2024. Ảnh: D.T.D
Còn ông Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn, có hơn 5 năm nuôi heo đen, mỗi năm thu về hơn 40 triệu đồng từ bán heo giống và heo thịt. Ông Kem cho biết: Để nuôi heo đen, tôi đầu tư chuồng trại tại rẫy, xung quanh rào lưới B40 tạo không gian thoáng đãng để heo tự do đi lại. Dịp Tết, thương lái đến tận nhà mua heo với giá cao gấp 2 – 3 lần so với heo thịt ngoài thị trường. Hiện gia đình đang chăm sóc 10 con heo để bán. Từ ngày nuôi heo đen, chúng tôi có thu nhập ổn định, đón Tết sung túc hơn.
Được biết, heo đen được người dân nuôi thả trong môi trường tự nhiên nên chậm phát triển, nhưng bù lại thịt ít mỡ, thơm ngon, săn chắc, giàu dinh dưỡng, giá cao gấp 3 lần các loại heo khác, từ 140 nghìn – 180 nghìn đồng/kg. Một năm nuôi mấy lứa heo, mỗi hộ dân có thể thu được 40 – 50 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cho biết: Heo đen An Lão đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận quyền sở hữu sản phẩm và chứng nhận nhãn hiệu tập thể địa phương. Thời gian tới, huyện An Lão sẽ tiếp tục vận động nông dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Diệp Thị Diệu
Nguồn: Báo Bình Định