(Người Chăn Nuôi) – Các hãng gia cầm quy mô nhỏ của châu Á, gồm các hộ nông dân độc lập và công ty khởi nghiệp ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Philippines đang lấn sân sang chế biến và không ngại bỏ ra những khoản chi lớn vào lĩnh vực này.
Thích ứng sau đại dịch
Bất chấp những thách thức vẫn đang gia tăng do đại dịch COVID-19, xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine và lạm phát, ngành công nghiệp chế biến gia cầm tại châu Á vẫn tăng trưởng tốt với sự mở rộng hoặc xây mới của nhiều cơ sở chế biến. Trong khi các hãng gia cầm lớn tiếp tục tăng công suất, nhiều hãng nhỏ cũng lấn sân sang lĩnh vực chế biến khiến sức cạnh tranh càng thêm nóng. Điều này cũng kéo theo xu hướng tiêu dùng mới đối với gia cầm tại thị trường châu Á từ sản phẩm sống tại chợ sang các sản phẩm sơ chế và đóng gói trong siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm tiện lợi.
Nhu cầu tiêu thụ thịt sơ chế tăng cao và giá bán sản phẩm tốt hơn là những động lực thúc đẩy các hãng gia cầm nhỏ đầu tư vào chế biến. Ngoài ra, lối sống của người tiêu dùng đang thay đổi cũng được xem là một động lực buộc các hãng gia cầm phải thích ứng. Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đề cao chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sự tiện lợi của sản phẩm.
Tự chế biến, tăng lợi nhuận
Tại Thái Lan, một số trang trại độc lập đã xây dựng các lò giết mổ mới trong năm nay. Kukrit Areepakorn, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thịt gà Thái Lan cho biết, các cơ sở này có quy mô 10.000 – 20.000 con/ngày. Trước đây trang trại độc lập thường bán gà cho nhà máy chế biến với giá thấp. Vì vậy, họ bắt đầu tự xây dựng lò giết mổ và bán thịt tại địa phương để lợi nhuận tốt hơn, theo Kukrit Areepakorn.
Ngành công nghiệp chế biến gia cầm tại châu Á vẫn tăng trưởng tốt. Ảnh: Wattagnet
Trong khi đó, các hãng chăn nuôi khép kín quy mô lớn tiếp tục đầu tư vào nhà máy chế biến mới hoặc tăng công suất. Công ty GFPT Thái Lan đang cây dựng nhà máy chế biến mới 150.000 con/ngày và nâng công suất thêm 24.000 tấn cho nhà máy chế biến hiện có của Công ty. Gần đây, Công ty gia cầm Tyson Food, Mỹ cũng đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới với công suất lớn hơn tại nhà máy chế biến gia cầm ở tỉnh Chonburi, Thái Lan.
Ngành công nghiệp chế biến gia cầm Indonesia cũng đang sôi động hơn với sự tham gia của nhiều trang trại quy mô nhỏ. Trong khi đó, các hãng gia cầm lớn vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở chế biến hiện đại. Trong năm nay, Tập đoàn Charoen Pokphand đã xây dựng 11 lò giết mổ mới để hỗ trợ mở rộng kinh doanh sản phẩm thịt gia cầm. Rất nhiều doanh nghiệp từng bị đóng băng suốt đại COVID-19 nay cũng khởi động các kế hoạch đầu tư chế biến, theo Ishana Mahisa, Chủ tịch Hiệp hội chế biến thịt tại Indonesia.
Defriansyah, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Công ty cung cấp máy móc chế biến thịt gia cầm Newtech Machinery, Indonesia cũng nhận thấy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chế biến gia cầm tại châu Á, bất chấp đại dịch cùng nhiều thách thức khác. Newtech Machinery vừa tung ra thị trường máy giết mổ gia cầm công suất nhỏ gọn 500 – 1.000 con/giờ cho những cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Tại Malaysia, các hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ cũng bắt đầu quan tâm đến chế biến. Muhammad Kumu, chủ một trại nuôi gia cầm MK tại Kuala Lumpur khẳng định, đây là thời điểm vàng để đầu tư vào lĩnh vực chế biến.
Các hãng gia cầm khép kín cũng tích cực chạy đua để không tụt lại phía sau. Công ty Leong Hup International tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy chế biến để phục vụ kế hoạch mở rộng kinh doanh chuỗi gà nướng Baker’s Cottage của Tập đoàn này. Chew Eng Loke, Tổng Giám đốc CFO cho biết: “Các trại nuôi nhỏ đều tự xây lò giết mổ, sơ chế và đóng gói sản phẩm ngay tại trang trại. Các chợ bán gia cầm tươi sống sẽ sớm bị xóa sổ”.
Sơ chế và chế biến sâu
Nhiều hãng chế biến gia cầm vừa và nhỏ cũng mới xuất hiện tại Philippines, chủ yếu là các xưởng sơ chế thịt gia cầm. Theo các nguồn tin trong ngành, người dân tại quốc gia này rất thích gà quay và dần hình thành thói quen mua thịt xẻ, thay vì mua gà sống nguyên con nên các hãng gia cầm cũng phải đầu tư máy móc chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các sản phẩm gia cầm sơ chế hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường, nhưng thị phần của các sản phẩm gia cầm chế biến sâu cũng dần tăng lên. Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến vẫn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Không giống nhiều quốc gia khác, các nhà sản xuất tại Nam Á không quan tâm đến chế biến sơ cấp hay chế biến sâu do lạm phát và suy thoái kinh tế. Ngành gia cầm tại Sri Lanka và Pakistan không có cơ hội mở rộng hơn vì những đòn giáng mạnh vào nền kinh tế. Trong khi đó tại Banglades, giá thực phẩm, chi phí năng lượng cùng tăng cao đã làm giảm tiêu thụ thịt nên các hãng chế biến không muốn mở rộng quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ, COVID-19 đã khiến người tiêu dùng thận trọng hơn khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là gia cầm. Nhu cầu tiêu thụ giảm khiến thị trường gia cầm tươi sống suy yếu đã trở thành động lực cho các hãng chăn nuôi đầu tư nhiều hơn vào chế biến. Nhiều lò giết mổ quy mô nhỏ 1.300 con/giờ đang xuất hiện khắp Ấn Độ, dấu hiệu cho thấy lĩnh vực chế biến gia cầm cũng đang nóng dần lên giống các nước châu Á khác.
Tuấn Minh
(Theo Worldpoultry)