Sau nhiều năm theo đuổi sở thích chăn nuôi, anh Phạm Anh Tuân (SN 1985), xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã xây dựng thành công mô hình trang trại chim trĩ theo chuỗi khép kín. Sản phẩm chim trĩ của trang trại hiện đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và có cơ hội đặt chân lên thị trường nước ngoài.
Quyết định táo bạo…
Với nhiều người, tốt nghiệp ra trường và vào làm việc tại các cơ quan nhà nước là niềm mơ ước và cũng được xem là sự thành công. Vậy nhưng với anh Phạm Anh Tuân lại có cách lựa chọn ngược lại. Tốt nghiệp đại học ngành Luật (năm 2009), anh Tuân may mắn trúng tuyển vào làm tại một cơ quan nhà nước nhưng sau gần 8 năm làm việc, anh quyết định xin thôi việc để theo đuổi sở thích của mình. Quyết định xin nghỉ việc của anh vấp phải sự phản đối của người thân.
Anh Tuân cho biết: “Từ lâu tôi đã có niềm đam mê với việc chăn nuôi. Vì thế mà trong thời gian còn đi làm, tôi đã nuôi thử vài con chim trĩ để làm cảnh. Thấy đây là giống chim đẹp, lạ lại phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương và ít người nuôi nên tôi bắt đầu nhân giống để nuôi thử. Tuy nhiên, làm việc tại cơ quan nhà nước theo giờ hành chính, vì không có thời gian để chăm sóc chúng nên tôi quyết định xin nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian thực hiện đam mê và sở thích của mình”.
Đam mê với chăn nuôi đã giúp anh Tuân xây dựng trang trại chim trĩ.
Sau khi nghỉ việc, anh Tuân đã đầu tư 200 triệu đồng để bắt tay xây dựng hệ thống chuồng trại. Trên diện tích gần 1.000 m2 đất đồi ở Lộc Ninh, trang trại chim trĩ của anh cũng bắt đầu hình thành.
Vốn là cử nhân Luật nhưng lại tay ngang sang làm chăn nuôi nên để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực nuôi, anh đã phải tự mày mò và đi học hỏi ở những địa phương khác.
“Sau khi quyết định nghỉ việc để về mở mô hình chăn nuôi chim trĩ, tôi đã tham gia vào các câu lạc bộ để giao lưu và học kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi cũng lên mạng đọc thêm các thông tin, kiến thức về cách chăm sóc, nuôi dưỡng chim trĩ. Vì đây là giống chim hoang dã nên khả năng miễn dịch cao, tương đối dễ nuôi. Thời điểm đó, trong tỉnh được ít người nuôi loại chim này nên khá dễ khi tìm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, giá trị thương phẩm của loại chim này mang lại cao nên tôi đã dần mở rộng số lượng nuôi”, anh Tuân tâm sự.
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm khép kín
Từ nuôi vài chục con để thử nghiệm, đến nay trang trại của anh Tuân đã có trên 500 con chim trĩ giống và khoảng 1.000 chim trĩ thịt. Trung bình mỗi tháng, trang trại anh xuất bán khoảng 3.000 – 4.000 quả trứng. Ngoài sản phẩm trứng chim trĩ thì trang trại của anh cũng xuất bán sản phẩm thịt chim trĩ. Đây đều là những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ chim trĩ và xây dựng sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị khép kín, anh Tuân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng xây dựng nhà hàng sinh thái Chill Garden. Nhà hàng ra đời chính là kênh tiêu thụ các sản phẩm từ chim trĩ của trang trại.
Sản phẩm thịt chim trĩ của anh Phạm Anh Tuân tại hội nghị kết nối thương mại ở Thái Lan.
Nhằm phát triển mô hình theo chuỗi giá trị khép kín, bên cạnh việc đầu tư chăn nuôi và tiêu thụ, anh Tuân đã nghĩ đến việc nâng cấp khâu chế biến, đóng gói sản phẩm. Anh Tuân cho hay: “Năm 2018, khi chính quyền địa phương chủ trương thực hiện chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mô hình chăn nuôi của tôi được khuyến khích phát triển theo hướng đó. Để hoàn thiện sản phẩm và dễ tìm được đầu ra, tôi bắt đầu chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đầu tưmáy móc về để phục vụ cho khâu chế biến và đóng gói, xây dựng logo, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Năm 2021, sản phẩm trứng, thịt chim trĩ của trang trại tôi đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh”.
Ông Hoàng Minh Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: Sản phẩm thịt, trứng chim trĩ của trang trại anh Phạm Anh Tuân là sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch từ trang trại đến bàn ăn, góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Đạt OCOP 3 sao được xem là bước ngoặt quan trọng để sản phẩm trứng và thịt chim trĩ của anh Tuân khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường. Trong tháng 9 vừa qua, sản phẩm thịt chim trĩ của trang trại anh vinh dự được Sở Công thương lựa chọn là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung bộ (Việt Nam) và một số tỉnh ở Thái Lan, Lào. Đây là dịp để thịt chim trĩ của trang trại được quảng bá sản phẩm và có cơ hội vươn ra thị trường các nước.
Chia sẻ về dự định xây dựng thương hiệu sản phẩm từ chim trĩ trong thời gian tới, anh Tuân cho hay: “Nuôi loài này thì dễ nhưng để tìm được đầu ra ổn định là câu chuyện khó. Chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chim trĩ là việc rất quan trọng. Tôi đang hướng sản phẩm chim trĩ của trang trại lên thành OCOP 4 sao trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu đó, hiện tại, tôi đang liên kết để mua công nghệ, nhập một số máy móc nhằm sản xuất thêm các sản phẩm từ thịt chim trĩ, như: Thịt chim trĩ ủ muối, thịt hộp… Đây là những sản phẩm khi khách hàng mua về đều không cần phải qua chế biến mà có thể sử dụng liền, qua đó làm cơ sở để xây dựng hoàn chỉnh mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn”.
Từ trang trại đến bàn ăn hiện đang là một trong những mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín được nhiều người lựa chọn vì an toàn và chất lượng, tin tưởng rằng với sự đầu tư và hướng đi đúng, sản phẩm chim trĩ của anh Tuân sẽ trở thành sản phẩm tiêu biểu, được người tiêu dùng ưa chuộng và chọn lựa.
Đ.Nguyệt
Nguồn: Báo Quảng Bình