Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, cần nhân rộng để phát triển chăn nuôi bền vững.
Toàn tỉnh hiện có hơn 466.000 con gia súc, hơn 5 triệu con gia cầm. Lượng phân thải trong chăn nuôi hằng ngày khoảng 3.697 tấn, lượng nước tiểu khoảng 2.283 tấn. Chất thải chăn nuôi luôn là bài toán khó trong bảo vệ môi trường, đặc biệt với những địa phương sản xuất theo quy mô hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay đã có những công nghệ xử lý tiên tiến biến những chất thải đó thành năng lượng sinh học và phân bón hữu cơ, vừa giải được bài toán môi trường vừa mang lại nguồn phụ thu cho người chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn cho hiệu quả cao, cần được nhân rộng.
Đến gia đình ông Lưu Công Trường tại xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn), chúng tôi ấn tượng với quy trình sản xuất tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với quy mô chăn nuôi thường xuyên khoảng 20 – 30 con bò thịt, lượng phân thải hằng ngày từng là bài toán khó trước đây giờ đã được gia đình ông tìm ra lời giải bằng việc kết hợp trồng 500 gốc cam Vinh. Chất thải rắn chăn nuôi được thu gom, ủ vi sinh làm phân bón, chất thải lỏng được xử lý bằng biogas tạo khí đốt, nước thải sau biogas để tưới cam. Việc tận dụng toàn bộ lượng chất thải từ chăn nuôi bò để bón cho diện tích cam giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng quả cam, đồng thời giúp tiết kiệm khoảng 20 – 25 triệu đồng tiền mua phân bón hóa học. Mô hình bắt đầu được thực hiện năm 2016, từ năm 2019 đến nay thu hoạch ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm.
Hoặc mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của gia đình ông Phan Nhật Quang, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) có quy mô chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt và 80 nghìn con gia cầm. Chất thải rắn từ chăn nuôi lợn được thu gom, ủ vi sinh và đệm lót từ chăn nuôi gia cầm được thu gom, chất thải lỏng được xử lý bằng bể biogas. Với lượng phân hữu cơ sau khi xử lý và nước thải sau biogas sử dụng tưới cho diện tích quế và mỡ của gia đình hằng năm đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền mua phân bón hóa học.
Trang trại tổng hợp “vườn – ao – chuồng” của gia đình anh Ngô Văn Tú (thôn Làng Bông, xã Xuân Quang) rộng hơn 3 ha cũng mang lại hiệu quả vượt trội khi áp dụng canh tác tuần hoàn. Khu vực chuồng nuôi, ao nuôi cá và trồng cây ăn quả được bố trí hợp lý, thuận tiện sử dụng phụ phẩm của trồng trọt để nuôi gà, cá, sử dụng chất thải của chăn nuôi để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Anh Ngô Văn Tú cho biết: Đối với khu vực nuôi lợn, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi kín. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn so với diện tích nền chuồng phía trước từ 35 – 40 cm, độ dốc khoảng 1 – 2 độ; phía cuối chuồng đặt ống thoát nối với hầm biogas để xử lý.
Ngoài ra, anh Tú thiết kế hơn 200 m rãnh nước để xử lý chất thải sau hầm biogas, giúp loại bỏ mùi, giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý sẽ dùng để tưới dưỡng cho diện tích cây ăn quả, rau màu. Qua 2 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, môi trường được bảo đảm.
Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Theo đó, hướng đến sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật.
Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…
Theo thống kê, khoảng 40 – 50% lượng chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được xử lý để tái sử dụng làm phân bón, khí đốt, số còn lại được thải trực tiếp ra cống rãnh hoặc ao, hồ gây ô nhiễm môi trường và kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Từ thực tế đó, mô hình chăn nuôi kinh tế được nhân rộng sẽ có hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp ở một số địa phương bị thu hẹp để ưu tiên phát triển đô thị, không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại tổng hợp. Các trang trại chăn nuôi tập trung hiện gặp khó khi chưa có cơ chế ổn định liên kết với các hợp tác xã, người dân chuyên canh sản xuất rau màu để sử dụng hợp lý chất thải chăn nuôi.
Bà Đồng Thị Vĩnh Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.
Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai