Thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn những nguy cơ lây lan và phát sinh thành các ổ dịch lớn, nếu không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Để chủ động phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, các địa phương trong toàn tỉnh đang tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT), thời điểm cuối tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận chủng vi rút cúm gia cầm type A/H5N1 xuất hiện trên đàn vịt 11 ngày tuổi của gia đình ông Hoàng Văn Cường, thôn 1, xã Tiền Phong (TX Quảng Yên). Theo đó, ngay khi phát hiện các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt, đảm bảo các bước theo quy định; số vịt chết và buộc phải tiêu hủy 3.500 con. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm với các đàn gà lân cận ổ dịch nhằm xác định mức độ phát tán của dịch. Như vậy, ổ dịch cúm gia cầm chủng cúm A/H5N1 tại xã Tiền Phong là ổ dịch A/H5N1 đầu tiên xuất hiện tại Quảng Ninh trong năm 2022.
Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 của gia đình ông Hoàng Văn Cường, thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên.
Ông Trần Xuân Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho biết: Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, bắt đầu xuất hiện các đợt rét kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm. Thêm vào đó, dịp cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm diễn ra sôi động, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Không chỉ vậy, theo kết quả kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và thú y, hiện nay huyết thanh định lượng kháng thể sau tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm tại một số địa phương còn thấp, đàn gia cầm được lấy mẫu không đủ miễn dịch chống lại vi rút cúm… do vậy, nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm là rất cao.
Không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi, cúm gia cầm do vi rút chủng cúm A/H5, A/H7… còn có thể lây sang người gây nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế vừa qua, tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5. Đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Qua đó, có thể thấy mức độ nguy hiểm tiềm ẩn do dịch cúm gia cầm gây ra nếu không được kiểm soát tốt.
Chị Hứa Thị Mai, chủ hộ chăn nuôi tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất (TP Hạ Long), chia sẻ: Mấy năm trước thì dịch tả lợn châu Phi, nay lại đến chu kỳ dịch cúm gia cầm, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, thậm chí còn lây nhiễm sang người, do vậy, việc áp dụng đúng và đầy đủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn không chỉ giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và mọi người xung quanh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, hiện nay các địa phương đã tích cực phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý khi phát hiện ổ dịch.
Theo ông Trần Xuân Đông, tuy tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ bùng dịch vẫn hiện hữu, do đó, để đảm bảo việc chăn nuôi được thuận lợi thì người dân nên mua con giống ở những nơi có uy tín, thương hiệu rõ ràng. Khi mới nhập về, cần tách vật nuôi riêng và có chế độ chăm sóc phù hợp. Cùng với đó phải thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu nuôi, che chắn chuồng trại cẩn thận, thông thoáng… Điều đặc biệt cần lưu ý là khi đàn gia cầm có biểu hiện nhiễm bệnh thì không nên tự mua thuốc điều trị mà phải báo ngay cho cán bộ thú y ở cơ sở để được hỗ trợ. Đồng thời, khi gia cầm chết, không nên vứt bỏ xuống kênh, mương, vì làm như vậy mầm bệnh sẽ phát tán rất nhanh, gây ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi của các hộ xung quanh.
Thời điểm này, nguy cơ xuất hiện dịch cúm gia cầm và lây lan là rất cao, bởi đây là thời điểm nhiều hộ tái đàn, tăng đàn để kịp xuất bán thị trường Tết Nguyên đán sắp tới nên người dân cần chủ động thực hiện chăn nuôi an toàn theo những khuyến cáo của ngành nông nghiệp.