(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Đàn dê có một số con bỏ ăn, lười vận động, nước mắt, nước mũi chảy liên tục, ho nhiều, có con ho khạc ra mủ, thở khó. Xin hỏi dê mắc bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng, trị bệnh?
(Câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Minh, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên)
Trả lời:
Với các triệu chứng như trên có thể chẩn đoán dê đã mắc bệnh viêm phổi.
Nguyên nhân:
Có thể do hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, chuyển từ thu sang đông vì vậy thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của con vật tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhiễm, phát triển và gây bệnh trên đường hô hấp.
Phòng bệnh:
– Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng (bổ sung vitamin, men tiêu hóa,..) và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn dê.
– Chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng đãng.
– Thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp thức ăn thừa, thay mới nước uống và không xả chất thải ra ngoài môi trường. Dọn dẹp vệ sinh, thu gom xử lý phân và nước tiểu của dê hàng ngày.
– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và sử dụng hóa chất sát trùng để khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Lịch trình thực hiện: từ 1 – 2 lần/tuần. Trước khi sử dụng hóa chất sát trùng cần phải thực hiện vệ sinh cơ giới trước tăng hiệu quả.
– Giữ ổn định nhiệt dộ khi thời tiết thay đổi (thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông).
Điều trị:
– Cách ly những con dê bị ốm ra khỏi đàn để trãnh lây lan và tang cường hộ lý, nuôi dưỡng, chăm sóc dê mắc bệnh.
– Sử dụng kháng sinh trộn thức ăn để phòng bệnh cho đàn dê khỏe mạnh như: Flo – Doxy, Gentadox,…
– Nếu dê sốt thì phải hạ sốt bằng thuốc (Anagin, Paracetam,…)
– Sử dụng kháng sinh có thành phần: Azithromycin, Tylosin để điều trị.
– Bổ sung vitamin B1, B12 và các thuốc có chứa Tripsine, Alphatrymotripsine để tăng sức đề kháng của dê và hỗ trợ điều trị.
Liệu trình và liều điều trị theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vũ Phúc Trường