(Người Chăn Nuôi) – Dê lai Boer là con lai giữa giống dê Bách Thảo của Việt Nam và dê Boer có nguồn gốc Nam Phi, đây là giống dê có ngoại hình lớn, khá mắn đẻ, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh.
Nhiều ưu điểm
Giống dê lai Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh và tầm vóc cao hơn rất nhiều với giống dê cỏ địa phương. Chúng có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, 4 chân vững chắc, nhanh nhẹn, có bộ lông bóng mượt. Đặc biệt, nuôi dê Boer lai chi phí đầu tư không nhiều, lớn rất nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao, nên người nuôi nhanh thu hồi được vốn. Dê Boer lai cũng khá mắn đẻ, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh.
Mặc dù dê lai Boer đẻ không nhiều con hơn so với giống dê Bách Thảo, song bù lại dê con to, đạt trọng lượng 3 – 4 kg/con ngay lúc mới sinh. Dê nhanh lớn, sau 5 – 6 tháng đã đạt trọng lượng 32 – 35 kg/con. Trong khi đó, dê Bách Thảo chỉ đạt trọng lượng khoảng 18 – 20 kg/con.
Nuôi dê lai Boer chi phí đầu tư không nhiều. Ảnh: Minh Thái
Phát triển mạnh tại nhiều địa phương
Anh Trần Văn Cao, một trong những hộ dân tiên phong nuôi dê lai Boer tại thôn An Bình, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Gia đình anh nuôi dê từ năm 2014, với khởi đầu chỉ 1 dê đực và vài con dê cái. Nay, anh Cao đang có chuồng dê 33 con, với 1 đực giống và gần 30 dê cái sinh sản, chưa kể một số dê đực chuẩn bị xuất bán thịt. Dê lai lớn nhanh, từ khi sinh tới khi trưởng thành có thể xuất chuồng chỉ khoảng 6 – 7 tháng. Dê đến độ 8 – 10 tháng thì có thể phối giống, mang bầu 5 tháng là đẻ. Đẻ xong, dê mẹ chỉ cho con bú 1 – 2 tháng và có thể lên giống lại. Trung bình, dê cái nặng 40 – 45 kg/con, dê đực nặng khoảng 60 kg/con. Dê lai sinh sản rất mau, chỉ 7 tháng/lứa, mỗi lứa trung bình 2 con. Vì vậy, nuôi dê lai liên tục có dê con sinh ra và lứa dê lớn xuất chuồng.
Cũng chọn nuôi dê lai Boer vỗ béo, ông Phạm Văn Hưng ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kan đã chia sẻ bí quyết thành công. Theo ông Hưng, cần lựa chọn giống dê đực để vỗ béo nên chọn những con có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, 4 chân vững chắc, nhanh nhẹn, có bộ lông bóng mượt. Đặc biệt, nuôi dê lai Boer chi phí đầu tư không nhiều, lớn rất nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao nên người nuôi nhanh thu hồi được vốn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê trên địa bàn huyện Pác Nặm và của tỉnh khá thuận lợi khi có nhiều thương lái đến tận hộ chăn nuôi để tìm mua. Đối với giống dê lai Boer, chỉ nuôi vỗ béo khoảng 2 – 3 tháng đã được xuất chuồng. Do đó, ông Hưng đầu tư trồng hơn 2.500 m2 cỏ voi, cung cấp thêm thức ăn như thân cây chuối, cám, ngô, mỗi ngày cho dê ăn 3 lần. Thời gian tới, ông Hưng dự kiến mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi dê thương phẩm và cung cấp giống dê lai Boer cho thị trường. Sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quanh vùng muốn khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê, hướng đến thành lập tổ hợp tác.
Khác với giống dê cỏ, dê núi được nuôi chủ yếu bằng hình thức bán chăn thả thì trang trại của anh Nguyễn Xuân Trường, thôn Vinh Hoa, xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc giống dê lai Boer được nhốt hoàn toàn. Hệ thống chuồng trại được làm công phu, cao ráo, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay đàn dê của trang trại anh Trường luôn duy trì nguồn giống từ 500 – 800 con, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi và cám viên, bã bia nên rất dễ đáp ứng.
Với những thành công của việc chăn nuôi dê Boer lai sinh sản và làm giống, trang trại của anh Trường đã cung cấp nhiều con giống dê cho bà con trong và ngoài tỉnh, cùng đó, anh cũng truyền đạt lại cho bà con những kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức để nuôi dê lai Boer đạt hiệu quả và sản lượng tốt nhất. Trang trại cũng đảm bảo thu mua lại dê giống cho bà con chăn nuôi, chủ yếu trang trại cung cấp dê giống cho bà con trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc và đang dần cung cấp rộng rãi đến hầu hết các tỉnh miền Trung.
>> Để đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín. Ngoài ra nên chú trọng đến khâu chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn dê còn nhỏ, sức đề kháng yếu.
Ngọc Anh