Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phân bổ số lượng 15.000 lít hóa chất sát trùng (Han-Iode) do Trung ương hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố…
Để thực hiện công tác phun tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh nhằm chủ động ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh; đặc biệt công tác phun tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ, vùng dịch cũ, các chốt kiểm soát, các cơ sở mổ, các chợ bán sản phẩm động vật, khu vực nguy cơ cao với dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ số lượng 15.000 lít hóa chất sát trùng (Han-Iode) do Trung ương hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ và vùng nguy cơ cao để tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Cần xử lý môi trường tiêu diệt mầm bệnh tại các khu bị ảnh hưởng do mưa lũ. (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức, thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là xử lý môi trường tiêu diệt mầm bệnh tại các khu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Đồng thời, tổ chức thực hiện ngay một số nội dung như sau:
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tiếp nhận số lượng hóa chất đã được phân bổ, bảo quản, cấp phát và sử dụng số lượng hóa chất có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn, đúng quy định và tránh lãng phí.
Tăng cường công tác tuyên truyền; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện ngay công tác vệ sinh và xử lý vệ sinh môi trường, dọn vệ sinh cơ giới trước, sau đó tiến hành phun tiêu độc, khử trùng bằng hoá chất.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, quầy bán thịt gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là các khu vực chăn nuôi bị ảnh hưởng trực tiếp mưa, lũ, ngập úng phải được vệ sinh và tiêu độc khử trùng trước khi nuôi lại.
Vận động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động tự lo vật tư, kinh phí; tổ chức, bố trí lực lượng làm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo sự giám sát, hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về thú y.
Chỉ đạo các phòng, ban, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ các thủ tục, chứng từ để thanh quyết toán đúng quy định và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí mua trang thiết bị, vật tư bảo hộ để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng như quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, ủng… và kinh phí để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau mưa bão trên địa bàn.
Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo tiếp nhận số lượng hóa chất được phân bổ trước ngày 22-10-2022 để triển khai thực hiện.
Lê Thanh
Nguồn: Báo Thanh Hóa