Bắc Giang bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm

Còn hơn 3 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm nhu cầu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, hiện vật tư đầu vào phục vụ chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi giá sản phẩm không ổn định. Điều này khiến người chăn nuôi phải có biện pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm sản xuất có lãi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều cách giảm chi phí sản xuất

Để có nguồn cung sản phẩm vào dịp Tết Nguyên đán tới, thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản vào đàn xong. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi (TACN), con giống đều tăng, nhiều chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) đã có cách làm giúp giảm chi phí sản xuất.

Mặc dù cả 2 vợ chồng đều làm công nhân nhưng mấy năm gần đây gia đình anh Ngô Văn Tùng, thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà) vẫn phát triển chăn nuôi, duy trì tổng đàn gia súc khoảng 40 con và 2 nghìn con gia cầm. Giá TACN tăng gấp rưỡi năm 2021 nhưng năm nay anh vẫn nuôi hơn chục con lợn, 3 bò thịt để bán trong dịp Tết Nguyên đán tới. 

Anh Tùng chia sẻ, trước khi bị các đợt dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại, gia đình anh nuôi khoảng 200 con lợn thịt/năm và 20 con lợn nái sinh sản. Để hạn chế rủi ro, từ giữa năm 2021 anh giảm đàn lợn, nuôi thêm 2 con ngựa thịt, 5 con bò nái và bò thịt, 500 gà thương phẩm/lứa. 

Với cách chăn nuôi này, năm 2021, gia đình anh thu lãi 100 triệu đồng, dự kiến năm nay thu lãi cao hơn vì giá lợn và gà đều tăng hơn năm ngoái. Anh Tùng cho biết, “Để chăn nuôi lợn có lãi, gia đình tôi tự sản xuất con giống. Với giá hiện tại từ 1,5-1,8 triệu đồng/con, việc tự sản xuất giống sẽ giảm khoảng 700 nghìn đồng/con, lại phòng được dịch bệnh”.

Ngoài chủ động lợn giống như hộ anh Tùng, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao An Bình, xã Hoàng An (Hiệp Hoà) còn có thêm cách giảm chi phí TACN rất hiệu quả. Chị Trần Thu Hương, Giám đốc HTX chia sẻ, từ khi cai sữa mẹ đến khi lợn con đạt khoảng 30 kg chị cho ăn cám bình thường. Thế nhưng từ sau đó đến khi xuất bán, chị Hương cho lợn ăn cám ủ men tự phối trộn, với thành phần gồm: Ngũ cốc, đậu tương, lạc, ngô, gạo tấm, cám gạo, cám mỳ. 

Các loại bột này được trộn đều cùng với men vi sinh theo công thức riêng và ủ thành từng thùng. Sau 5 ngày chị Hương lấy hỗn hợp thức ăn đã lên men trộn đều với bỗng rượu gạo và một số thảo dược rồi hoà loãng cho lợn ăn. Theo chị Hương, cách làm này giúp giảm chi phí khoảng 720 nghìn đồng TACN/1 tạ lợn hơi, thịt lợn lại thơm ngon. 

Với giá TACN và giá giống hiện tại, việc tự sản xuất con giống và TACN giúp HTX giảm chi phí bình quân 1,4 triệu đồng/tạ lợn hơi. “Dịp Tết này HTX chúng tôi có kế hoạch xuất bán 500 con lợn thịt. Hiện hệ thống siêu thị Cadosa và GN-Foods Hà Nội đã đặt hàng số lợn trên. Nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, ngoài thịt heo sống thảo dược, HTX còn cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm qua chế biến, như: Xúc xích heo thảo dược và giò lụa heo thảo dược An Bình”, chị Hương nói.

 

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tăng giá trị sản phẩm

Cùng với sản phẩm gà và lợn, mấy năm nay, số trâu, bò, ngựa… tiêu thụ dịp Tết cũng tăng mạnh. Nắm bắt xu thế này, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi nhốt bò thịt. Một số địa phương còn hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi, vỗ béo bò thịt để nhân rộng. Đơn cử như huyện Yên Thế, ngoài phát triển đàn gà và dê, năm 2022, huyện hỗ trợ hơn 400 triệu đồng (bao gồm tiền giống, vắc xin…) để xây dựng 5 mô hình chăn nuôi bò thịt và 25 mô hình nuôi bò sinh sản với tổng đàn gần 150 con. 

nuôi bò bắc giang

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp Yên Thế kiểm tra đàn bò thương phẩm của gia đình anh Đoàn Văn Tới.

Anh Đoàn Xuân Tới, bản Đồng Gián, xã Xuân Lương (tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt) cho biết, được huyện hỗ trợ vắc xin phòng dịch, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò 3B 10 con của gia đình phát triển tốt, dự kiến sẽ bán trong dịp Tết tới. Với giá bò hơi 90 nghìn đồng/kg như hiện tại, gia đình anh thu về khoảng 500 triệu đồng, ước lãi 100 triệu đồng sau khoảng 10 tháng nuôi.

 

9 tháng năm nay, sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 210,2 nghìn tấn (bằng 91% kế hoạch). Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 55 nghìn tấn thịt hơi các loại, tương ứng 1/4 tổng sản lượng thịt hơi của Bắc Giang năm 2022.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phục vụ nhu cầu thị trường quý 4 và dịp Tết Nguyên đán tới, toàn tỉnh chuẩn bị gần 5 triệu con gia cầm; 800 nghìn lợn thịt; đàn trâu, bò thương phẩm hơn 120 nghìn con. 

Hiện tại, Yên Thế vẫn là huyện có tổng đàn gà phục vụ dịp Tết cao nhất với 3,2 triệu con. Năm nay đàn gà và lợn đều tăng khoảng 3% so năm 2021. Đàn vật nuôi của Bắc Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, mà còn cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

Để bảo đảm đàn vật nuôi trước dịch bệnh, đặc biệt là đàn gà, năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm và niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, giai đoạn 2021 – 2025”. 

Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang thông tin, sau gần 2 năm triển khai, đến nay 30/30 hộ chăn nuôi tiêu biểu tại 19/19 xã, thị trấn trong huyện Yên Thế được chọn để xây dựng cơ sở ATDB điểm đã được Chi cục cấp chứng nhận cơ sở ATDB. Đây là điều kiện tiên quyết để Cục Thú y về thẩm định cho huyện Yên Thế trở thành vùng chăn nuôi ATDB cúm gia cầm và niu-cát-xơn đối với gà (dự kiến vào cuối tháng 10 này). 

Đây là 2 loại dịch bệnh mà tổ chức Thú y Thế giới và các nước bắt buộc phải loại trừ mới đáp ứng điều kiện xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm. “Việc xây dựng huyện Yên Thế trở thành vùng ATDB sẽ tạo hiệu ứng mở rộng vùng ATDB trên cả đàn gà và đàn lợn ra toàn tỉnh. Từ đó tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cao, đa dạng, có giá cạnh tranh trên thị trường không chỉ dịp cuối năm nay mà còn hướng tới xuất khẩu sang các nước trong thời gian tới”, ông Dư cho hay.

Bài, ảnh: An Khánh

Nguồn: Báo Bắc Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *