Theo Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục tái phát và phát sinh là rất cao do đặc điểm của vi rút này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường; nhất là việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến ngày 12/9/2022, cả nước đã xảy ra 1.049 ổ DTLCP tại 929 xã, 258 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 47.474 con.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực có dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: KL)
Nguyên nhân xảy ra các ổ dịch do vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã lưu hành rộng trong quần thể lợn, tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh trong khi đường truyền lây của bệnh phức tạp, khó kiểm soát.
Chăn nuôi của nước ta hiện nay vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư, đặc biệt tại một số địa phương, phương thức chăn nuôi lợn thả rông của người dân còn phổ biến làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch.
Bên cạnh đó, lợn giống mua về không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Một số hộ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt; sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, cho lợn uống.
Ngoài ra, dịch bệnh xảy ra do tái phát từ ổ dịch cũ hoặc phát sinh tại các hộ tiếp giáp, gần khu vực chăn nuôi với các hộ đã xảy ra dịch bệnh trước đó. Từ đó, dịch bệnh lây lan sang các bản, xã, phường khác trong khu vực.
Mạng lưới thú y ở cơ sở mỏng, yếu nên công tác giám sát, quản lý dịch bệnh thực hiện chưa tốt. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ thú y theo quy định, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch,…
Theo Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và phát sinh là rất cao do đặc điểm của vi rút này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường; việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, rét,…/.
BT