Thời gian này, người dân bắt đầu tập trung đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Năm nay, nhiều hộ dân khá thận trọng, đầu tư vừa phải, vì lo ngại dịch bệnh, chi phí cao, giá cả không ổn định.
Gia đình chị Lý Thị Nhường, thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong), phát triển chăn nuôi từ nhiều năm nay. Hiện chị đã bắt đầu nuôi lứa heo mới chuẩn bị cung cấp thị trường dịp cuối năm.
Chị chủ động giảm đàn heo chỉ còn 15 con, bằng 1/3 so với trước. Theo chị Nhường, giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguy cơ dịch bệnh, giá sản phẩm bấp bênh… là những nguyên nhân khiến chị giảm đàn heo.
Để bảo đảm an toàn, bớt vốn đầu tư, chị nuôi heo nái nhằm chủ động nguồn heo giống. Ngoài ra, chị còn chuyển hướng trong việc đầu tư thức ăn cho đàn heo để giảm chi phí.
Nhiều hộ chỉ chăn nuôi heo với số lượng vừa phải để đề phòng rủi ro
Nếu như trước đây, chị chủ yếu dùng cám công nghiệp cho heo ăn thì nay chuyển sang cám gạo, bắp, các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có khác. Thức ăn tự chế đã giúp đàn heo của chị phát triển khỏe mạnh, an toàn sinh học.
“Nuôi theo phương pháp mới này, heo có giá bán cao hơn rất nhiều so với cách nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Tôi hy vọng lứa heo này sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình vào dịp cuối năm”, chị Nhường chia sẻ.
Gia đình anh Phan Quang Vinh, thôn 11, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), cũng đang tập trung đầu tư chăn nuôi dê cho thị trường cuối năm. Hiện gia đình có đàn dê 30 con, giảm 20 con so với những năm trước.
Theo anh Vinh, nhiều năm trước, nhu cầu dê thịt cuối năm thường tăng, giá bán cũng cạnh tranh hơn so với ngày thường. Do đó, năm nào anh cũng tăng đàn nhằm phục vụ thị trường, có thêm thu nhập.
Tuy nhiên năm nay, anh chỉ đầu tư nuôi dê ở mức vừa phải, bởi lo ngại giá thiếu ổn định, đề phòng dịch bệnh. Để đàn dê sinh trưởng tốt, chất lượng thịt bảo đảm, anh chú trọng bảo đảm cân đối dinh dưỡng cho dê.
Ngoài thức ăn thô như cỏ, các loại lá, gia đình anh còn bổ sung tinh bột như lúa, ngô để tăng sức đề kháng cho dê. Anh cũng cho dê uống nước sạch để phòng ngừa các loại bệnh đường ruột.
Anh Phan Quang Vinh, thôn 11, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), cẩn trọng đầu tư nuôi dê dịp cuối năm
Không chỉ chị Nhường, anh Vinh mà khá nhiều hộ dân đang dè dặt cầm chừng tăng đàn dịp cuối năm vì tâm lý e ngại dịch bệnh, giá cả không ổn định và các rủi ro khác.
Theo Sở NN- PTNT, dù chịu những ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng tình hình chăn nuôi của Đắk Nông 8 tháng đầu năm vẫn đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, đàn heo của tỉnh đã vượt 4% so với kế hoạch năm, với 418.700 con; đàn bò đạt trên 86%, với 26.700 con; đàn trâu đạt 66%, với 3.300 con; đàn dê đạt gần 78%, với trên 41.900 con; đàn gia cầm đạt gần 79%, với 2,2 triệu con.
Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển bền vững và bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm, ngành chức năng đã, đang khuyến cáo người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Người dân hãy chọn con giống tốt, nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn, tiêu độc, khử trùng chuồng trại kỹ càng.
Khi phát hiện dịch bệnh, bà con phải có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.
Chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường cần làm tốt công tác quản lý vận chuyển con giống, sản phẩm chăn nuôi vào, ra trên địa bàn; kiểm soát tốt hoạt động giết mổ động vật theo đúng quy định.
Các huyện, thành phố cần có giải pháp kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với quy hoạch. Các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh cho người dân…
Hồng Thoan
Nguồn: Báo Đắk Nông