Thu nhập cao từ mô hình gia trại xanh, sạch

Sau nhiều năm buôn bán tại khu vực chợ Quang Sơn, chị Nguyễn Thị Mai ở tổ 17, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đem toàn bộ số tiền tích góp đầu tư mua đất đồi tại xã Dương Phong (Bạch Thông) phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Mô hình gia trại xanh, sạch đã đem lại cho gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhận thấy trồng cây ăn quả tại Bạch Thông cho thu nhập cao, năm 2015 chị Mai quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng mua hơn 20 ha đất đồi của người dân xã Dương Phong để trồng cam, quýt.

Ban đầu chị cũng rất vất vả trong việc vận chuyển cây giống, phân bón…, vì khu vực đất đồi nằm sâu trong khe, phải đi qua suối, qua rừng. Nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó, sau 4 năm chị đã trồng thành công hơn 10 ha cam, quýt. Quá trình gây dựng, chị luôn học hỏi kinh nghiệm các hộ dân trong vùng, tham khảo trên internet và tham gia các lớp tập huấn tại địa phương.

nuôi trâu vỗ béo

Chị Mai chăm sóc đàn trâu vỗ béo của gia đình.

Với mong muốn xây dựng mô hình gia trại xanh, sạch, cùng với trồng cam, quýt, chị đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua trâu nuôi nhốt vỗ béo, nuôi lợn, vịt, gà, kết hợp nuôi giun quế. "Tôi nuôi nhiều loại vật nuôi nhằm mục đích xây dựng mô hình khép kín. Lượng chất thải từ trâu, lợn cung cấp thức ăn cho giun quế. Giun làm thức ăn cho gà, vịt. Phân giun quế sử dụng bón cây vừa giúp cải tạo đất, vừa hạn chế được sâu bệnh", chị Mai chia sẻ.

Theo chị Mai, mô hình này không khó thực hiện, chủ yếu là kiên trì, chịu khó và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, cần xây dựng chuồng trại thoáng, sạch, cung cấp thức ăn, phòng bệnh đầy đủ. Quan trọng là quy trình chăm sóc giun quế, phải thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn để đảm bảo cho giun phát triển đều. Chất thải từ trâu có thể cho giun quế ăn trực tiếp, còn chất thải từ lợn phải phơi khô mới cho giun ăn. Giun quế giàu dinh dưỡng, dùng làm thức ăn gà, vịt sẽ lớn nhanh hơn, thịt ngon hơn so với thức ăn thông thường. Cây trồng sử dụng phân giun quế bón chất lượng quả sẽ ngon hơn, cây phát triển tốt và tuổi thọ cao hơn so với sử dụng phân vô cơ…

Mô hình gia trại xanh, sạch của chị Mai thực hiện theo hướng khép kín nên tránh được các tác động xấu như nước thải, chất thải ra môi trường. Sản phẩm cam, quýt, gà thả vườn… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây hại sức khỏe nên tiêu thụ thuận lợi.

Hiện khu đất đồi của gia đình chị Mai có 10ha cam, quýt được 7 năm tuổi, gần 10ha quế từ 2-3 năm tuổi; có 3 ô nuôi giun quế rộng gần 100 m2. Gia đình chị duy trì nuôi ít nhất 50 con lợn thịt, thả vườn 300 con gà, vịt mỗi lứa và vỗ béo 20 con trâu/đợt. Riêng năm 2021, chị bán ra thị trường hơn 50 tấn cam, quýt, thu về gần 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư). Từ đầu năm đến nay, chị Mai đã xuất bán 2 lứa lợn, gà, vịt, thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng. Mô hình của gia đình chị Mai còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bà La Thị Thúy Hường – Chủ tịch Hội Nông dân phường Sông Cầu cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình chị Mai luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương, tích cực tham gia phong trào của Hội Nông dân phường cũng như các phong trào thi đua của địa phương. Đồng thời vận động, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh với các hội viên, cùng nhau xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều năm qua, chị Mai nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Nông dân tỉnh, thành phố vì có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi./.

Đồng Lai

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *