(Người Chăn Nuôi) – Gà thịt lớn rất nhanh với nhu cầu dinh dưỡng thay đổi hàng ngày. Do đó cần phải đánh giá chế độ cho ăn chính xác phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của vật nuôi.
Gà thịt lớn rất nhanh và nhu cầu dinh dưỡng thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn tăng trưởng được cho ăn 3 – 5 khẩu phần, gà thịt vẫn có thể bị thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng. Do đó, phối trộn thức ăn dựa theo khẩu phần cơ bản hàng ngày để đáp ứng nhu cầu về năng lượng và lysine hàng ngày có thể cải thiện hiệu quả và giảm hệ số biến động (CV) ở đàn vật nuôi.
Ảnh: Freepik
Xây dựng thử nghiệm
Thử nghiệm gồm 440 gà con Cobb 500 được nuôi trong chuồng sàn và cung cấp một chế độ ăn khởi đầu giống nhau. Ở ngày thứ 11 sau khi nở, chia đàn gà con thành 4 nhóm thử nghiệm theo trọng lượng cơ thể (lặp lại 10 chuồng cho mỗi nghiệm thức với 11 con/chuồng). Các nghiệm thức được bắt đầu từ ngày thứ 11, bao gồm:
– Chế độ đối chứng 4 giai đoạn (khởi đầu từ ngày 11 – 12, tăng trưởng từ ngày 12 – 21, vỗ béo từ ngày 21 – 35 ngày và xuất chuồng 35 – 42 ngày);
– Chế độ cho ăn chính xác với lượng protein và năng lượng cao được phối trộn theo khẩu phần cơ bản hàng ngày để phù hợp với nhu cầu năng lượng và lysine hàng ngày;
– Chế độ cho ăn chính xác bắt đầu với tỷ lệ hỗn hợp tương tự như nghiệm thức 2 nhưng hỗn hợp được điều chỉnh hàng tuần dựa trên trọng lượng của gia cầm;
– Các khẩu phần ăn khởi đầu, tăng trưởng, vỗ béo và xuất chuồng đã sử dụng trong chế độ đối chứng được phối trộn để đáp ứng chặt chẽ hơn nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày và tạo ra sự thay đổi khẩu phần dần dần. Gà con được tiếp xúc thức ăn và nước uống không giới hạn trong một hệ thống chuồng nuôi được kiểm soát về môi trường, ánh sáng và nhiệt độ theo hướng dẫn riêng cho gà giống Cobb. Các khẩu phần ăn được cân, trộn và phân phối vào từng chuồng nuôi bằng thiết bị cho ăn chính xác FeedLogic. Gia cầm và thức ăn được cân hàng tuần để tính toán CV. Ở ngày nuôi 24 và 42, lấy 4 mẫu gia cầm ở mỗi chuồng để tiến hành phân tích.
Kết quả
Các khẩu phần thử nghiệm gần như không có hiệu lực đối với tăng trọng hàng tuần và lượng thức ăn ăn vào. Tuy nhiên, chế độ cho ăn chính xác đã cải thiện đáng kể FCR ở gà con từ ngày tuổi 14 – 21, trong đó nghiệm thức 2 cải thiện FCR 13,8% (1,203 so với 1,397) và nghiệm thức 3 cải thiện FCR 13,6% (1,207 so với 1,397). Trọng lượng lớp đệm mỡ của gia cầm ở ngày 42 có xu hướng giảm khi cho ăn chính xác, đặc biệt là chế độ cho ăn chính xác được điều chỉnh hàng tuần (nghiệm thức 3) so với chế độ ăn đối chứng (8,7 so với 10,63 g/kg; p= 0,055). Trọng lượng thân của gia cầm được cho ăn chính xác ở ngày 42 (nghiệm thức 2 và 3) lớn hơn đáng kể so với chế độ cho ăn đối chứng 4 giai đoạn lần lượt là 5,7% (3381 so với 3197 g) và 7,2% (3428 so với 3197 g). Cuối cùng, CV chuồng nuôi của những gia cầm được cho ăn theo chế độ chính xác (nghiệm thức 2 và 3) thấp hơn đáng kể vào cuối chu kỳ sản xuất; Cả hai nghiệm thức 2 và 3 đều cho kết quả tương tự và giảm CV khoảng 32% ở ngày 35 và 33% ở sau ngày 42 (hình 1).
Hình 1
Hình 2
Chế độ cho ăn chính xác được điều chỉnh cũng cải thiện đáng kể AME và AMEn (hình 2) và ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng tiêu hóa của protein và tinh bột.
Kết luận
Chế độ cho ăn chính xác đã trực tiếp cải thiện FCR so với chế độ cho ăn 4 giai đoạn sau khi được điều chỉnh, ví dụ như thay đổi từ thức ăn khởi đầu sang thức ăn tăng trưởng. Do đó, sự thay đổi chế độ ăn đột ngột có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và chức năng đường ruột của gà con. Ngoài ra, cho ăn chính xác làm giảm CV và mỡ của gia cầm và tăng trọng lượng của chúng vào cuối giai đoạn nuôi tăng trưởng, từ đó làm tăng lợi nhuận và thu nhập cho người chăn nuôi.
Dũng Nguyên
(Theo Thepoultrysite)