Đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm: Gỡ vướng cho DN

Việc đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung trên địa bàn TP Hà Nội đang gặp nhiều rào cản, đòi hỏi có một hệ thống giải pháp mang tính đột phá để khơi thông chính sách cho DN.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 761/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP, số DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất khiêm tốn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội hiện có 10/29 CSGM gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của TP đang hoạt động. Các cơ sở này hầu hết đều hoạt động trước khi Quyết định số 761/QĐ-UBND được ban hành. Trong đó gồm 6 CSGM mổ công nghiệp; 3 CSGM tập trung và 1 CSGM tập trung quy mô nhỏ.

Đối với CSGM và chế biến gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ, ngoài 1 CSGM tại huyện Chương Mỹ đang hoạt động, còn lại 12/13 điểm giết mổ (tại các huyện, thị xã: Chương Mỹ, Gia Lâm, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa) chưa triển khai xây dựng, thậm chí chưa có nhà đầu tư.

giết mổ gia cầm

Nhà máy chế biến thực phẩm C.P Hà Nội tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Việt Linh  

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có hàng trăm điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Huyện đã quy hoạch 3 điểm giết mổ tập trung và tập trung quy mô nhỏ, nhưng vẫn nằm “trên giấy” do chưa có DN vào đầu tư bởi kinh phí lớn, mức độ rủi ro cao. Còn tại Phú Xuyên, huyện được phê duyệt 2 điểm giết mổ gia súc và 1 điểm giết mổ gia cầm. Năm 2020, Công ty CP Sơn Nam đã quyết định đầu tư 1 điểm giết mổ tại xã Quang Lãng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thủ tục phức tạp.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để xây dựng CSGM gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương cần thực hiện rất nhiều thủ tục như: Thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Cùng với đó, kinh phí xây dựng CSGM gia súc, gia cầm tập trung lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải.

Trong khi đó, các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ nên sản phẩm của CSGM tập trung khó có thể cạnh tranh do chi phí cao hơn. Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự hiệu quả, chưa sát với thực tế nên chưa thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Cần giải pháp đột phá

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xây dựng và đưa các CSGM tập trung vào hoạt động, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch đề xuất các cơ quan chức năng tham mưu với UBND TP có chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các CSGM tập trung để thu hút DN đầu tư. TP có thể đầu tư CSGM mẫu ở một địa phương, để các DN, địa phương khác đến học tập và rút kinh nghiệm.

Kiến nghị về giải pháp xây dựng thành công mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng cho rằng, TP cần ban hành một số cơ chế tạo thuận lợi cho DN như miễn tiền thuê đất trong 1 – 2 năm đầu, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, trong chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, TP cần yêu cầu các địa phương đưa tiêu chí có một điểm giết mổ tập trung (ở những nơi có quy hoạch) để thúc đẩy tiến độ thực hiện.

Còn theo Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, để các CSGM tập trung hoạt động hiệu quả sau đầu tư, các địa phương cần xử lý nghiêm những điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường; xử lý theo quy định các sản phẩm không có dấu kiểm soát thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP đang chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án để sớm hoàn thành mạng lưới CSGM gia súc, gia cầm tập trung, đưa hoạt động này vào nền nếp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.

Việc xây dựng các điểm giết mổ tập trung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chỉ có khoảng 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn TP được kiểm soát nguồn gốc từ cơ sở; số còn lại do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

Ngọc Ánh

Nguồn: Kinh tế Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *