Khai thác lợi thế đất đai rộng lớn, khí hậu mát mẻ, những năm gần đây, người dân xã Bình Long, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đây là một trong những hướng đi giúp nhiều hộ dân xã vùng cao này nâng cao thu nhập, làm giàu.
Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long chia sẻ: Hằng năm, UBND xã phối hợp mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất bãi, soi, vườn tạp để trồng các loại cây làm thức ăn cho vật nuôi và làm không gian bán chăn thả; đồng thời khuyến cáo bà con lựa chọn con giống khỏe mạnh từ các nguồn cung cấp uy tín, chất lượng. Xã cũng chủ động bố trí cán bộ đồng hành, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống đói rét cho đàn vật nuôi theo từng thời điểm trong năm.
Cán bộ xã Bình Long hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, phòng dịch cho đàn trâu.
Xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn vay cho nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có trên 550 con trâu, bò; trên 600 con dê; hơn 2 nghìn con lợn và gần 36 nghìn con gà. Với hàng trăm hộ chăn nuôi thương phẩm, Bình Long là một trong những xã có nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai.
Gần 20 năm phát triển chăn nuôi, gia đình ông Ma Văn Nhót và bà Hoàng Thị Khanh ở xóm Chợ đã có được một cơ ngơi khang trang với ngôi nhà xây kiên cố và gia trại quy mô khoảng 30 con trâu, bò nuôi sinh sản, thương phẩm. Trung bình mỗi năm, gia đình thu lợi nhuận 200 – 250 triệu đồng từ bán trâu, bò.
Bà Hoàng Thị Khanh cho biết: Trong chăn nuôi trâu, bò, cần đặc biệt chú ý tiêm phòng bệnh đầy đủ, nắm chắc phương pháp chăn sóc, khẩu phần thức ăn. Chúng tôi may mắn bởi thường xuyên được cán bộ xã chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn phòng bệnh, chăm sóc vật nuôi nên dù trải qua nhiều đợt dịch lớn, như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng…, đàn gia súc nhà tôi vẫn an toàn.
Toàn xã Bình Long hiện có hơn 20 hộ nuôi dê cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/năm.
Có quy mô nhỏ hơn gia đình bà Khanh, anh Phùng Văn Hảo ở xóm An Long nuôi từ 6 – 10 con bò thịt và bò sinh sản tùy từng thời điểm. Mỗi năm, anh Hảo thu về từ 50 – 60 triệu đồng lợi nhuận. Anh cho biết: Với quy mô nhỏ, gia đình tôi chỉ cần 1 lao động chăm sóc đàn bò là có thể cho thu nhập khá, cải thiện cuộc sống.
Ngoài chăn nuôi trâu, bò, hiện nay, nông dân xã Bình Long còn phát triển chăn nuôi gà tại một số xóm, như: Bình An, Long Thành, Ót Giải… và chủ yếu theo hình thức nuôi bán chăn thả cho chất lượng thịt thương phẩm tốt, giá trị cao hơn gà nuôi nhốt.
Các hộ chăn nuôi gà chủ yếu theo quy mô gia trại từ vài trăm cho tới 2 – 3 nghìn con gà/hộ. Cá biệt, có hộ đầu tư nuôi tới 7 – 8 nghìn con. Được đánh giá chất lượng cao, sản phẩm gà thịt của nông dân xã Bình Long được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh với giá bán cao hơn khoảng 20% so với gà nuôi nhốt cùng loại.
Bà Hoàng Thị Nga, Trưởng xóm Bình An, là một chủ hộ nuôi gà bán chăn thả, cho biết: Hình thức chăn nuôi gà bán chăn thả được chúng tôi áp dụng thành công những năm gần đây. Hiện, xóm Bình An có 5 hộ nuôi gà theo hình thức này với quy mô khoảng 18 – 22 nghìn con, có hộ đạt thu nhập lên đến 300 triệu đồng/năm.
Hiệu quả chăn nuôi của bà con nông dân trên địa bàn những năm gần đây đã thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của xã Bình Long. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 543 hộ năm 2015 xuống còn 67 hộ vào cuối năm 2021; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 38,2 triệu đồng/người/năm… Cuối năm 2021, xã Bình Long đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Hà