Với mong muốn đẩy mạnh phong trào sản xuất và sử dụng phân hữu cơ trùn quế trong nông nghiệp, nhóm tác giả Trần Thị Kim Dung, Nguyễn Thu Hà, Vũ Thị Hà Mai – Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng ý tưởng “Mô hình nuôi trùn quế lấy phân – hướng đi bền vững trong kinh tế nông nghiệp”. Ý tưởng đã vinh dự lọt top 10 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” lần thứ II-2021, do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức.
Theo nghiên cứu, phân trùn quế là một loại phân hữu cơ thiên nhiên giàu dinh dưỡng nhất bởi phân trùn chứa một hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, chứa hơn 50% chất mùn. Do đó phân trùn không chỉ kích thích tăng trưởng cây trồng, mà còn tăng khả năng cải tạo đất. Ngoài ra, phân trùn còn chứa các khoáng chất được cây trồng hấp thụ một cách trực tiếp, không như các loại phân hữu cơ khác phải được phân hủy trong đất trước khi cây hấp thụ. Nhất là chất mùn trong phân trùn loại trừ được những độc tố, nấm và vi khuẩn có hại trong đất có thể ngăn ngừa các bệnh về rễ và đẩy lùi nhiều bệnh của cây trồng, đồng thời, loại phân này còn có tác dụng giảm lượng phân bón hóa học, cải tạo đất tơi xốp và màu mỡ.
Chị Trần Thị Kim Dung đang kiểm tra chất lượng trùn quế.
Sau khi tìm hiểu và biết phân trùn quế vừa ứng dụng tốt trong chăn nuôi, trồng trọt mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường và có giá trị kinh tế cao, nhóm tác giả đã cùng nhau xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín tại xã Yên Trường (Yên Định) với diện tích gần 2 ha, bao gồm diện tích nuôi trùn quế và trồng các loại cây, rau, củ, quả khác. Với trùn quế được chia làm ba khu nuôi gồm khu trùn giống, trùn thịt và phân trùn. Nhóm còn đầu tư thêm cả hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại, rau, quả… Chính vì vậy quy trình nuôi và thu hoạch phân trùn quế tại đây rất khắt khe và chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thu Hà cho biết, chuồng nuôi được thiết kế theo công nghệ của Đức, quy trình nuôi được áp dụng theo kỹ thuật Israel. Với số lượng trùn quế nuôi lớn, nhóm phải thuê 10 – 12 công nhân làm việc cố định. Hằng ngày, lượng phân bò tươi nhập vào trang trại từ 400 – 500 bao, công nhân sẽ dùng máy khuấy đều phân bò ủ với men vi sinh rồi cho trùn quế ăn, mỗi tuần cho trùn ăn 2 lần. Trùn giống sẽ được thu hoạch 1 tháng/lần và được bán với giá 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg, trùn thịt thu hoạch hằng tuần và bán với giá 50.000 đồng – 100.000 đồng/kg. Trùn giống nuôi chừng 1,5 – 2 tháng là có thể bán được, còn trùn thịt và phân trùn có thể bán quanh năm.
Bao bì sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế ORGANIC TH.
Theo nhóm tác giả, nuôi trùn quế không khó nhưng phải nắm vững kỹ thuật, từ công đoạn ủ phân, thả giống, che phủ và chăm sóc cho đến thu hoạch. Ngoài ra, nhiệt độ phải thích hợp cho trùn sinh sống, phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho trang trại, nguồn thức ăn cho trùn phải bảo đảm đầy đủ.
Qua 3 năm tiến hành nuôi, sản xuất và thử nghiệm phân trùn quế, nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình sản xuất phân bón cho nhãn hiệu phân hữu cơ ORGANIC TH 100% phân trùn quế theo tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành toàn quốc. Hiện nay các mặt hàng đang xuất bán ra thị trường gồm phân bột tan dần, phân nở tan chậm, phân nở siêu tan chậm và các loại phân chuyên dùng cho hoa lan với các dòng từ thường đến cao cấp, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Chia sẻ thêm về dự định trong thời gian tới, thay mặt nhóm tác giả – chị Trần Thị Kim Dung, cho biết sẽ tập trung sản xuất con giống, mở rộng quy mô trang trại, trong tương lai gần sẽ xây dựng nhà máy sản xuất để sản phẩm được phân phối trên toàn quốc, xa hơn nữa là được xuất khẩu.
Có thể coi đây là một sản phẩm nông nghiệp tin cậy cho các cá nhân, hộ gia đình yêu thích trồng hoa, cây cảnh và rau sạch tại nhà, các mô hình nông trại nuôi trồng hữu cơ, các HTX, các hộ nông dân và các đơn vị chuyên chăm sóc cây công trình… trong và ngoài tỉnh lựa chọn sử dụng. Với ý chí quyết tâm và tinh thần ham mê lao động sản xuất, nhóm tác giả Trần Thị Kim Dung, Nguyễn Thu Hà, Vũ Thị Hà Mai đã thể hiện được sức trẻ của mình trên con đường khởi nghiệp.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: Báo Thanh Hóa